Người cộng sản kiên trung -Nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta

Người cộng sản kiên trung -Nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta

KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP (24-4-1906 - 24-4-2016)

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906, trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, một miền quê có bề dày truyền thống văn hóa dân tộc, yêu nước và cách mạng, vùng đất “địa linh, nhân kiệt” đã sinh ra và nuôi dưỡng biết bao danh nhân, hiền tài của đất nước. Năm 1923, mới 17 tuổi, Hà Huy Tập tốt nghiệp Thành chung với tấm bằng loại ưu, vì không có điều kiện để tiếp tục theo học cử nhân, Hà Huy Tập đã chọn nghề dạy học và được bổ nhiệm làm giáo viên của Trường Tiểu học Pháp - Việt Nha Trang (Khánh Hòa).

Di ảnh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập trước bàn thờ tại Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Vốn là người có lòng yêu nước, tính tình cương trực, không chịu được thói cường quyền áp bức của chính quyền thực dân và tay sai, Hà Huy Tập luôn tỏ thái độ bênh vực lẽ phải, thẳng thắn đả kích, phản đối những hành động bạo ngược, chèn ép dân lành của bọn quan lại, thực dân. Anh trở thành “cái gai” trong mắt bọn chức dịch địa phương. Năm 1925, mật thám Pháp phát hiện Hà Huy Tập tham gia tổ chức Phục Việt - một tổ chức yêu nước cách mạng được thành lập ở thành phố Vinh (Nghệ An). Sau một thời gian theo dõi, dù không đủ chứng cứ, năm 1926, viên công sứ người Pháp ở Khánh Hòa vẫn ra lệnh trục xuất Hà Huy Tập khỏi địa phận Nha Trang. Trở ra thành phố Vinh, Hà Huy Tập xin vào dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, cùng các đồng chí trong Hội Hưng Nam tiếp tục các hoạt động yêu nước (từ tháng 3-1926 tổ chức Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam). Lúc bí mật, khi công khai, Hà Huy Tập đã tham gia nhiều hoạt động cách mạng: Tổ chức các cuộc đấu tranh bãi khóa của sinh viên, dạy văn hóa cho công nhân, bí mật đưa đón thanh niên sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức…

Trong thời gian hoạt động tại Sài Gòn, Hà Huy Tập cùng với Nguyễn Đình Kiên, Đào Xuân Mai, Trần Ngọc Danh, Phạm Trần Hồ, Nguyễn Khoa Hiền… thành lập kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Đảng, sau đó là Tân Việt Cách mạng Đảng. Nguyễn Đình Kiên - một chí sĩ yêu nước, cựu tù chính trị Côn Đảo, được cử làm Bí thư Kỳ bộ, Hà Huy Tập được cử làm Thư ký. Hoạt động của Tân Việt không chỉ trong phạm vi Sài Gòn, mà còn mở rộng ra các vùng lân cận như vùng đồn điền cao su Biên Hòa (Đồng Nai), vùng đồn điền trồng mía Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tháng 12-1928, xảy ra vụ án đường Bácbiê (Sài Gòn), mật thám phát hiện nhiều bút tích của Hà Huy Tập trong các tài liệu cách mạng, chúng phát lệnh truy bắt. Tổ chức đã kịp thời báo động và cho phép anh sang Trung Quốc bắt liên lạc với Tổng bộ Thanh niên, nhận nhiệm vụ mới. Cuối năm 1928, Hà Huy Tập đã tới Quảng Châu, Trung Quốc. Sau đó, anh đến Thượng Hải, Hồng Công, tìm bắt liên lạc được với các đồng chí trong Tổng bộ Thanh niên; các đồng chí trong cơ quan Tổng bộ tích cực chắp mối liên lạc để đưa anh đi học tập ở Liên Xô. Tháng 5-1929, thông qua Tổng Lãnh sự quán Liên Xô ở Thượng Hải, Quốc tế Cộng sản đã đồng ý tiếp nhận Hà Huy Tập sang học tại Trường Đại học Phương Đông.

Là người có năng lực xuất sắc về nghiên cứu lý luận, ngay trong thời gian học tập nghiên cứu tại Trường Đại học Phương Đông (từ 1929-1932), Hà Huy Tập đã viết nhiều bài giới thiệu về hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương đăng trên Tạp chí Cahiers bolchévisme (Tạp chí Bônsơvích - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp). Trong những bài viết, Hà Huy Tập đã thể hiện tư duy lý luận cách mạng sắc bén của một nhà cách mạng trẻ tuổi, tài năng.

Đầu năm 1934, đồng chí Hà Huy Tập được tổ chức bố trí bí mật về Quảng Châu (Trung Quốc), bắt liên lạc được với Lê Hồng Phong và một số đồng chí đảng viên khác đang hoạt động ở miền Nam Trung Quốc như: Nguyễn Văn Dựt, Nguyễn Văn Minh… Các đồng chí đã quyết định thành lập Ban lãnh đạo Đảng ngoài nước với nhiệm vụ chắp mối liên lạc với các tổ chức đảng trong nước để khôi phục phong trào cách mạng.

Tháng 3-1935, dưới sự chủ trì của đồng chí Hà Huy Tập, Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương được tiến hành tại Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội đã ra nhiều quyết nghị quan trọng; bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới; đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vắng mặt làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập được bầu làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài. Sau Đại hội, Tạp chí Bônsơvích trở thành cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Biên tập...

Một trong những tác phẩm lý luận tiêu biểu của đồng chí để lại luôn được nhắc đến, đó là cuốn Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương, hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (3-1933).

Thông qua nội dung cuốn sách, đồng chí đã thể hiện tầm hiểu biết rộng lớn trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, kinh tế chính trị…, trên hết là ý thức trách nhiệm cao cả của một vị lãnh tụ Đảng đầy bản lĩnh, trình độ lý luận sắc sảo, kiến thức lịch sử uyên thâm. Cuốn sách đã phân tích sâu sắc tinh thần đấu tranh cách mạng và vai trò tiên phong của các đảng viên cộng sản; uy tín và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản ngày càng cao, ngày càng được nhân dân tin cậy. Trên cơ sở đó, tác giả dự báo ngày tận thế của chủ nghĩa đế quốc đang đến gần. Đồng thời, từ những thất bại, hy sinh và thắng lợi của phong trào cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập rút ra những bài học kinh nghiệm về tổ chức, chỉ đạo, về xây dựng Đảng, phương pháp đấu tranh và sự chuẩn bị cần thiết cho những bước đi tiếp theo đạt được kết quả to lớn hơn. Về mặt tư liệu lịch sử của Đảng ta, đây là một tác phẩm có tính chiến đấu cao, kịp thời lên tiếng đập tan luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của bọn thực dân và bè lũ tay sai. Những chú thích của tác giả về các nhân vật, các sự kiện, địa danh lịch sử, chứng tỏ trình độ uyên bác, sự hiểu biết sâu sắc và rộng lớn trên nhiều lĩnh vực của đồng chí Hà Huy Tập.

Khi đã nhận trọng trách làm Tổng Bí thư của Đảng (7-1936 - 3-1938), đồng chí Hà Huy Tập vẫn dành nhiều thời gian để hoàn thành nhiều văn kiện lý luận quan trọng. Trong khoảng thời gian từ tháng 7-1936 đến tháng 10-1936, với nhiều bút danh khác nhau: Hồng Thế Công, Thanh Hương, H.Q.V., Hồng Quy Vít, Châu Dân và một số bút danh khác, đồng chí Hà Huy Tập đã soạn thảo nhiều văn kiện mang tính định hướng chỉ đạo về chủ trương, đường lối hoạt động của Đảng ta.

Đã hơn 75 năm trôi qua, kể từ khi người cộng sản kiên trung - Tổng Bí thư Hà Huy Tập hy sinh trước mũi súng quân thù, đồng chí đã đi về cõi vĩnh hằng, nhưng nhân dân ta, các thế hệ người Việt Nam luôn ghi nhớ về một Tổng Bí thư kiên trung - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Nhớ về Tổng Bí thư Hà Huy Tập, mỗi người dân nước Việt vô cùng khâm phục và tự hào về một lãnh tụ tài năng, một danh nhân cách mạng kiên cường, bất khuất, hết lòng vì dân tộc, vì đất nước.

Trích tham luận của PGS-TS TRẦN MINH TRƯỞNG - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Hà Huy Tập với công tác xây dựng Đảng”

Tin cùng chuyên mục