Nghiên cứu các mô hình thu hút đầu tư vào hệ thống metro TPHCM

Mở đầu cho chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM, chiều nay 5-9, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; đồng chí Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã có buổi làm việc với ông Shigeru Kiyama, Phó Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Nghiên cứu các mô hình thu hút đầu tư vào hệ thống metro TPHCM

(SGGPO).- Mở đầu cho chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM, chiều nay 5-9, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; đồng chí Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã có buổi làm việc với ông Shigeru Kiyama, Phó Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Lãnh đạo TPHCM trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, vận hành metro của Nhật Bản. Ảnh: Vân Anh

Tại buổi gặp gỡ, thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Tất Thành Cang cảm ơn sự hỗ trợ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đối với TPHCM trong thời gian qua, phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Tiêu biểu như dự án cải thiện môi trường nước (giai đoạn 1 và 2); đại lộ Đông Tây; tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên; đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây…

Đồng chí Tất Thành Cang đặc biệt đánh giá cao các dự án thuộc nhóm môi trường, đáp ứng được sự quan tâm của chính quyền TP cho sự phát triển bền vững. Nhằm thúc đẩy hơn nữa các dự án ODA của Nhật Bản tại TPHCM trong thời gian tới, đồng chí Tất Thành Cang đề nghị JICA tăng cường làm việc với các đối tác Nhật Bản tham gia dự án ODA tại Việt Nam, trong đó có các dự án về môi trường nước và giao thông đô thị, góp phần xúc tiến các dự án trong những giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Tất Thành Cang trao đổi với lãnh đạo JICA tại buổi làm việc. Ảnh: Vân Anh

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Shigeru Kiyama cho rằng, JICA đã có bề dầy hợp tác với TPHCM và có nhiều thành công trong việc thực hiện các dự án giao thông đô thị tại TPHCM. Ông Shigeru Kiyama mong rằng, mối quan hệ mật thiết này sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai. “Chúng tôi luôn nhắc nhở rằng, chúng tôi không chỉ giữ vai trò cung cấp vốn viện trợ cho sự phát triển đô thị của TPHCM mà song song đó, chúng tôi sẽ giúp TPHCM thu nhận được những kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới về đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị”, ông Shigeru Kiyama khẳng định. Tuy nhiên, theo ông Shigeru Kiyama, hiện đô thị TPHCM phát triển rất nhanh và TPHCM không thể dừng lại ở những dự án Metro hiện tại mà sẽ phát triển thêm rất nhiều tuyến Metro. Do vậy, theo ông Shigeru Kiyama thì việc khai thác các nguồn lực tư nhân tham gia phát triển giao thông công cộng cũng là kinh nghiệm và là giải pháp phù hợp cho TPHCM trong thời gian tới.

Đồng tình với góp ý này của phía JICA, đồng chí Tất Thành Cang cho biết, TPHCM sẽ nghiên cứu mô hình huy động vốn đầu tư bằng hình thức hợp tác công tư (PPP), không chỉ với nhà đầu tư trong nước mà cả ngoài nước. Đồng chí Tất Thành Cang cũng cho rằng, nếu chỉ hệ thống Metro thì không thể giải quyết bài toán giao thông cho TPHCM mà TPHCM đang tính toán để phát triển đồng bộ nhiều loại hình giao thông công cộng khác để kết nối với các tuyến Metro, đặc biệt là hệ thống xe buýt.

Nghiên cứu các mô hình thu hút đầu tư vào hệ thống metro TPHCM ảnh 3 

Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang xây dựng tại TPHCM sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh: Cao Thăng

Cùng ngày, đồng chí Tất Thành Cang và đoàn đại biểu cấp cao TPHCM đã làm việc với Trung tâm đào tạo tổng hợp của Tokyo Metro về vận hành Metro.

Sau khi nghe báo cáo của đại diện trung tâm này về kinh nghiệm tổ chức và vận hành hệ thống Metro Tokyo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang đánh giá cao kinh nghiệm về công tác tổ chức, vận hành Metro; trong đó đặc biệt là bài học về việc tổ chức tự hạch toán trong quá trình khai thác tuyến Metro này trong khoảng 90 năm qua. Hiện nay, Metro Tokyo là một trong những phương tiện vận tải hành khách công cộng giữ vai trò quan trọng tại Tokyo, với 9 tuyến tàu điện ngầm có tổng chiều dài khai thác toàn tuyến trên 195 km, phục vụ hơn 7 triệu lượt người/ ngày. Song song đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho việc bảo dưỡng và vận hành Metro luôn được chú trọng và có tính kế thừa, đồng bộ với các hình thức giao thông công cộng khác.

Trước đó, đoàn đại biểu cấp cao của TPHCM do đồng chí Tất Thành Cang dẫn đầu đã thực địa đi tàu điện ngầm đến trong nội đô Tokyo; tìm hiểu kinh nghiệm thu hút đầu tư nguồn lực từ tư nhân tham gia bảo dưỡng, khai thác hiệu quả loại hình công cộng này.

Trong khuôn khổ chuyến công tác ở ngày đầu tiên tại Nhật Bản, Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM cũng đã gặp gỡ các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản là thành viên của J – CODE (Diễn đàn Nhật Bản về Phát triển đô thị thân thiện với môi trường ở nước ngoài) về TOD (Phát triển đô thị quanh đầu mối giao thông công cộng).

Vân Anh

(Từ Nhật Bản) 

Tin cùng chuyên mục