Libya: Phe nổi dậy kiểm soát phần lớn thủ đô

Chiến sự khốc liệt ở Tripoli
Libya: Phe nổi dậy kiểm soát phần lớn thủ đô

Ngày 22-8, các hãng thông tấn nước ngoài đưa tin phe nổi dậy ở Libya đã kiểm soát đến 95% thủ đô Tripoli. Hai người con trai, “phụ tá” đắc lực nhất của Tổng thống Gaddafi cũng đã bị bắt. Chính quyền Tổng thống Muammar Gaddafi ngày càng bị dồn sát vào chân tường. Lực lượng nổi dậy đang truy tìm nhà lãnh đạo quốc gia Bắc Phi này và chưa có bất kỳ thông tin gì về ông.

Phe nổi dậy đổ ra đường ăn mừng rạng sáng 22-8 vì kiểm soát được thủ đô Tripoli. Ảnh: AFP

Phe nổi dậy đổ ra đường ăn mừng rạng sáng 22-8 vì kiểm soát được thủ đô Tripoli. Ảnh: AFP

Chiến sự khốc liệt ở Tripoli

Sau đêm 21-8 thức trắng với bạo lực đẫm máu khiến 1.300 người thiệt mạng, ngày 22-8, Tripoli lại tiếp tục gồng mình trước làn sóng giao tranh bỏng rát dồn dập đổ về. Theo AFP, những nhân chứng là cánh phóng viên có mặt tại khách sạn Rixos tường thuật rằng, họ liên tục nghe được những tiếng nổ lớn từ các vụ đụng độ ác liệt diễn ra dồn dập gần dinh thự Bab Al Ziziya. Đây là tòa nhà được cho là nơi trú ẩn của Tổng thống Gaddafi những ngày qua.

Kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin người ta nhìn thấy các xe tăng rời khỏi khu nhà của ông Gaddafi và bắn phá nhiều khu vực trong thủ đô. Một nguồn tin ngoại giao đã tiếp xúc với ông Gaddafi hai tuần trước đó cho biết, ông Gaddafi có thể vẫn ở trong khu dinh thự này.

Ở miền Nam thủ đô Tripoli, các tay súng nổi dậy dùng vũ khí hạng nặng và súng máy, tạo nên chuỗi ngày đẫm máu nhất kể từ khi bất ổn bùng phát ở Libya từ tháng 2 vừa qua. Người dân sống ở những khu phố xung quanh nơi giao tranh hoang mang và lo lắng, đề phòng những đối tượng bắn tỉa tập trung trên mái các tòa nhà cao tầng.

Theo AFP, Tòa án Hình sự Quốc tế đang kêu gọi phe nổi dậy giao nộp người con trai thứ Seif Al-Islam của Tổng thống Gaddafi, đồng thời cho biết sẽ chuyển Seif đến Tòa án quốc tế La Hay để đối diện với những cáo trạng liên quan đến tội ác chống lại nhân loại.

Về phần ông Gaddafi, những ngày qua có thông tin ông sẽ tìm cách thương lượng để rời Libya, nhưng Ngoại trưởng Ý Franco Frattini cho rằng đã quá muộn để ông Gaddafi có thể thương lượng. Ông phải đối mặt với Tòa án Hình sự Quốc tế cùng con trai của mình.

Đại diện ngoại giao của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (TNC), ông Mahmud Nacua nhấn mạnh: “Phải lật từng viên đá để tìm cho ra Gaddafi!”.

Tổng Thư ký NATO cùng lãnh đạo Mỹ, Anh… tỏ vẻ hài lòng về tình hình ở Libya. Tuy nhiên, không quốc gia nào có thể chắc chắn được ở giai đoạn hậu Gaddafi, người dân Libya đang đối mặt với những điều gì?

Tránh “vết xe đổ” Iraq

Hàng loạt thách thức đang bao trùm lên Libya: chia rẽ sắc tộc, chia rẽ dân tộc ở hai vùng Đông-Tây nghiêm trọng, bên cạnh đó là thiếu sự gắn kết giữa các lực lượng nổi dậy, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn cộng với sự thiếu vắng một xã hội dân sự. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định Libya có thể rơi vào tình trạng bất ổn “tập 2”, trượt dài theo vết xe đổ của Iraq, hiện vẫn chìm ngập trong bạo loạn!

Theo CNN, dưới sự hậu thuẫn của NATO, TNC đã đưa ra bản kế hoạch về những giải pháp dành cho Libya và hướng đến những cuộc bầu cử được cam đoan mang tính dân chủ, kêu gọi hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên, cơn thịnh nộ của nhóm người phía Tây vốn ủng hộ ông Gaddafi, vấn đề chia rẽ sắc tộc và những mâu thuẫn khác của nội bộ quốc gia được cho là sẽ đẩy nước này trượt theo một cuộc nội chiến để tranh giành quyền lực trong thời gian tới.

Ai sẽ thay thế Gaddafi?

TNC được thành lập từ những quan chức bị ông Gaddafi loại và được phương Tây giật dây nên được các nước phương Tây công nhận. Báo Independent của Anh cho biết, thực tế, trong nội bộ TNC luôn xảy ra xung đột giữa phái cựu quan chức Chính phủ Gaddafi và phái Libya lưu vong chiếm hầu hết các vị trí quan trọng trong Ban Chấp hành TNC.

Chủ tịch của TNC là cựu Bộ trưởng Tư pháp của chính quyền Tổng thống Gaddafi, ông Abdel Jalil. Ông là ứng viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo đất nước, nhưng phe nổi dậy không muốn người ở vị trí này là người từng thuộc chính phủ ông Gaddafi!

Liên minh châu Âu hối thúc phe đối lập ở Libya hành động có trách nhiệm, bảo vệ dân thường và kêu gọi ông Gaddafi từ chức.

Nga muốn lực lượng nổi dậy nhanh chóng nắm quyền và sớm có đối thoại chính trị mà không có sự can thiệp của nước ngoài. Đại diện Libya tại Liên đoàn Arab khẳng định sẽ không có căn cứ quân sự của NATO ở Libya sau khi chế độ của ông Gaddafi sụp đổ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố nhấn mạnh Bắc Kinh tôn trọng sự lựa chọn của người dân Libya, hy vọng Libya sớm khôi phục ổn định và đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường.

Ngày 25-8, ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), các nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya sẽ họp để thảo luận lộ trình cho tương lai của Libya.

 

Như Quỳnh

- Thông tin liên quan:

>> Phe nổi dậy tiến vào thủ đô Libya

>> Cựu Thủ tướng Libya bỏ trốn

>> Nội chiến Libya sắp kết thúc?

Tin cùng chuyên mục