Chợ An Sương sẽ hoạt động trước tết

Khoảng 3 tháng nữa, toàn bộ tiểu thương 3 chợ Bàu Nai, chợ Cầu, chợ Tân Hưng (quận 12 TPHCM) phải di dời vào chợ An Sương. Như vậy, công trình được đầu tư gần 19 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ năm 2003, sau đó “trùm mền”, đến nay sắp đi vào hoạt động. Tuy vậy, nhiều tiểu thương vẫn trăn trở, lo âu trước khi vào chợ mới.

Khoảng 3 tháng nữa, toàn bộ tiểu thương 3 chợ Bàu Nai, chợ Cầu, chợ Tân Hưng (quận 12 TPHCM) phải di dời vào chợ An Sương. Như vậy, công trình được đầu tư gần 19 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ năm 2003, sau đó “trùm mền”, đến nay sắp đi vào hoạt động. Tuy vậy, nhiều tiểu thương vẫn trăn trở, lo âu trước khi vào chợ mới.

Vừa qua, UBND TPHCM đã giao UBND quận 12 khẩn trương hoàn chỉnh phương án xây dựng giá sạp chợ An Sương để sắp xếp, bố trí cho các tiểu thương vào kinh doanh ổn định trước tết. Phương án phải đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và không để xảy ra khiếu kiện; đồng thời chấm dứt hoạt động của chợ Cầu và chợ Bàu Nai.

Được biết, cách đây 8 năm, ngày 13-11-2003, UBND TPHCM phê duyệt dự án đầu tư chợ An Sương (phường Tân Hưng Thuận, quận 12), với kinh phí 18,7 tỷ đồng do Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà TPHCM làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tới nay chợ vẫn chưa đi vào hoạt động, trong khi chợ Bàu Nai (đường Trường Chinh, phường Tân Hưng Thuận, quận 12) đã xuống cấp nghiêm trọng. Vào các buổi sáng, chiều, người dân tranh thủ bày bán la liệt các loại trái cây, rau củ, nghêu sò… lấn chiếm lề đường, gây ùn tắc giao thông trên đường Trường Chinh. Bên cạnh đó, tiểu thương tại chợ Cầu, chợ Tân Hưng (đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) cũng phải buôn bán tạm bợ, qua loa để chờ ngày vào chợ mới.

Nguyên nhân công trình chợ An Sương chậm trễ là do chợ được xây dựng tại vị trí lòng chảo, khi mưa dễ bị ngập nước khiến tiểu thương không thể buôn bán. Dù đã đầu tư gần 19 tỷ đồng và chưa một ngày sử dụng nhưng sau đó, ngày 8-6-2011, Sở Xây dựng TPHCM lại phải phê duyệt kế hoạch đấu thầu sửa chữa, cải tạo chợ An Sương với kinh phí 12,3 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền xây dựng chợ lên tới trên 31 tỷ đồng – một con số vượt xa so với dự tính ban đầu.

Hiện tại, việc sửa chữa, cải tạo chợ An Sương đang được tiến hành. Dự kiến, sẽ xong trước ngày 30-10-2011. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận 12, kế hoạch triển khai di dời, hỗ trợ, tái bố trí tiểu thương vào kinh doanh tại chợ An Sương đã có, vấn đề còn lại phụ thuộc vào tiến độ xây dựng của chủ đầu tư.

PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Phan Quang Tống, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển và Kinh doanh nhà TPHCM, về tiến độ sửa chữa chợ An Sương. Ông Tống cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND TP, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án xây dựng chợ trước ngày 20-1”.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng kéo dài thời gian hoàn thành công trình là do chủ đầu tư xây dựng chợ không đạt chất lượng, người dân chưa muốn vào… Anh Lê Văn Tư, tiểu thương kinh doanh rau, củ tại chợ Tân Hưng cho biết: “Cả gia đình tôi trông chờ vào việc kinh doanh này. Nhưng chợ mới được xây dựng ở nơi hầu như không có người ở, giao thông bất tiện. Nếu đúng tuyến phải đi đường vòng khá xa. Như thế ai mà đến chợ, chợ không có khách thì biết bán cho ai…!”.

Hy vọng thời điểm 20-11-2011 là hạn chót đặt dấu chấm hết cho thời kỳ chợ An Sương “trùm mền” suốt 8 năm. Hứa hẹn trước Tết Nhâm Thìn 2012 tiểu thương của cả 3 chợ nói trên sẽ được kinh doanh ổn định tại chợ mới.

Thi Hồng

Tin cùng chuyên mục