Từng tự hào với quá khứ lẫy lừng thời Xô Viết trước đây, người Nga bây giờ không khỏi chạnh lòng chứng kiến những thay đổi tiêu cực của hệ thống giáo dục nước nhà, với minh chứng rõ nhất là sự mua bán công khai các loại bằng cấp, học vị, học hàm. Đây thực sự là nỗi nhức nhối khi giá trị của cử nhân, phó tiến sĩ, tiến sĩ được… lượng hóa bằng tiền như bất kỳ hàng hóa nào bày bán trên thị trường
Giá nào cũng có...
Anna (tên đã được thay đổi) là bác sĩ y khoa mới nhận bằng tốt nghiệp ở một trường của thủ đô Moskva đã cười phe phé nhớ lại những năm tháng sinh viên tươi đẹp: “Một hệ thống bất thành văn tồn tại ở trường y chúng tôi: Một sinh viên học khoa tiếng Latinh, người khác - chuyên ngành nội khoa, người nữa - hóa sinh… Cứ đến ai là tôi đưa tiền cho họ để họ chuyển lại cho giáo viên của mình…”. Theo lời cô gái đẹp như mộng này, muốn nâng điểm hoặc thi đạt môn thi cuối học kỳ, mỗi sinh viên phải trả món tiền khoảng 100 - 150 USD.
“Như tôi đây cũng phải trả tiền để qua được môn vật lý” - cô bác sĩ thừa nhận với giọng nói bình thản giống như đang tâm sự về một chuyện tầm phào nào đấy. “Tôi ghé phòng Katia và cô ấy nói với tôi giá chót là 150 USD. Tôi đưa tiền mà không hỏi thêm gì nữa. Trong những trường hợp như vậy càng ít hỏi thì càng tốt”. Anna hiện đang hành nghề tại một bệnh viện lớn ở Moskva, không hề e dè kể lại câu chuyện mà những người khác còn ngại nói ra.
Thật ra, đó là chuyện không mới ở nước Nga, khi mà chỉ cần lướt mạng cũng có thể tìm được hàng trăm trang web với những tít tựa hấp dẫn như Happystudent hoặc Superdiplom, mời mọc khách mua bằng tốt nghiệp mọi ngành nghề. Và bạn cũng khỏi nhọc công lê bước ra khỏi nhà để trở thành luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư hay bác sĩ vì đã có sẵn… dịch vụ đưa bằng đến tận nhà.
Một trong những trang web khá nổi tiếng là Doconline.ru chào bán bằng của các trường ĐH danh giá với giá mỗi tấm lên tới 31.000 rúp (gần 2.000 USD). Trên trang chủ của nó có đôi dòng triết lý như một phần thưởng cho khách truy cập: “Mỗi người là chủ nhân của cuộc đời và số phận mình. Và mua bằng hay chứng chỉ là việc nên làm để khẳng định điều này”.
Để hiểu rõ hơn thứ logic cứ thẳng tay mua bằng tốt nghiệp hơn là phải nhọc công trả tiền theo học, bạn hãy nghe đoạn đối thoại qua điện thoại gọi đến Doconline: “Anh cần ngành nào? Y học tổng quát à? Giá vào khoảng 27.000 rúp (trên 1.000 USD). Sẽ có người giao tận nhà. Trả tiền khi nhận hàng”. “Nhưng liệu có mạo hiểm không?”, “Giời ạ! Bằng của chúng tôi là đồ “xịn” in từ phôi bằng chính thức. Chúng tôi đã có 8 năm làm việc trong lãnh vực này. Và nhờ chúng tôi, nhiều bác sĩ và y tá đã tìm được việc làm, thậm chí còn mở cả phòng khám nữa…”, “Thế chúng tôi có thể mua loại bằng thật của các trường ĐH Y Dược?”, “Được chứ. Nhưng giá sẽ cao hơn, vào khoảng 20.000 USD”, “Ồ, mắc quá!”, “Anh nghĩ là trường ĐH sẽ cấp cho anh bằng với giá 27.000 rúp à? Có biết người ta phải trả bao nhiêu để con em vào được trường ĐH…”.
Một hãng khác (kupit-diplom.ru) hãnh diện vì mối “quan hệ” với các trường ĐH danh tiếng, khi được hỏi còn mời chào cả gói dịch vụ của thị trường giáo dục: “Vâng, chúng tôi có thể viết luận án cho các bạn. Một luận án dày cỡ 100 trang có giá 17.500 rúp (gần 700 USD) và sẽ do chính các giảng viên của trường ĐH hàng đầu viết. Thời gian giao nộp chỉ sau 2-3 tuần. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm. Không có rắc rối gì”.
Bằng tiến sĩ? Nhet problem (không vấn đề)
Bằng cử nhân đã vậy, còn bằng phó tiến sĩ (ở nước Nga vẫn còn học vị này) và tiến sĩ thì sao? Người ta dễ dàng trả lời bạn “nhet problem” (không vấn đề gì) khi “cầu” tất yếu làm nảy sinh “cung”. Có thể tìm trên mạng hằng hà sa số lời rao từ các cá nhân và các hãng giới thiệu dịch vụ viết luận án nghiên cứu sinh theo đủ hướng nghiên cứu và ngành nghề. Thí dụ: “Nếu như bạn không có đủ thời gian để tìm kiếm và lựa chọn tư liệu, nếu bạn không có thời gian rảnh đến thư viện tìm đọc, và nói chung là bạn quá bận việc không thể viết luận án… thì hãy nghĩ bạn phải làm gì? Bạn không phải làm gì. Cứ để chúng tôi - các chuyên gia với thâm niên 7 năm trong nghề - lo giải quyết vấn đề giúp bạn!”.
Theo một nhân viên của hãng môi giới dịch vụ bằng cấp kiểu này, giá viết thuê một luận án phó tiến sĩ vào khoảng 6.000 USD. Giá cả được xác định tùy thuộc thời gian thực hiện hợp đồng. “Nếu như nghiên cứu sinh đã thu thập đủ tài liệu cần thiết cho luận án thì thời gian hoàn thành phải mất từ 3 - 6 tháng. Còn nếu phải bổ sung thêm tư liệu, thì sẽ kéo dài 6 - 9 tháng và nhiều khi mất cả năm trời”. Còn đối với luận án tiến sĩ, tất nhiên giá cả sẽ phải nhỉnh hơn, không dưới 8.000 USD/luận án. Tại hãng này, người ta giải thích rành mạch: “Viết luận án tiến sĩ là những nhà bác học có tiếng và nhiều người trong số họ đã cộng tác với chúng tôi từ ngày đầu thành lập hãng - cách đây hơn 7 năm. Ngoài ra, hãng còn có người làm việc tại các kho lưu trữ và thư viện để giúp tìm kiếm và lựa chọn tư liệu cần thiết. Hãng dịch vụ nói trên còn cam kết, luận án đã viết sẽ được chuyển vào hệ thống “sở hữu trí tuệ” và lưu giữ tại Cục Luận án của Thư viện Quốc gia Nga.
Thế nhưng cách làm luận án này vẫn còn vướng “thủ tục” chuẩn bị và nhiêu khê tiến trình thực hiện. Cách đơn giản hơn nữa là giải pháp “tay không bắt giặc”: tìm kiếm một luận án đã bảo vệ, thay tên tác giả, pha loãng nguồn tư liệu và tài liệu trích dẫn, rồi thế là luận án “mới” đã xong chờ trình lên hội đồng giám khảo. Theo ý kiến ông S.Komkov, Chủ tịch Quỹ giáo dục Nga, cách làm này rất khó bị phát hiện vì có nhiều công trình cũ chưa được số hóa và đến nay vẫn còn giá trị sử dụng. Người ta lạm dụng nhiều nhất là các nghiên cứu có từ thời Liên Xô cũ, đặc biệt là trong lãnh vực khoa học cơ bản. Tất nhiên, giá cả luận án tiến sĩ cũng “mềm” hơn: chỉ từ 1.500 - 2.000 USD. Nhưng có nói gì thì nói, độ an toàn của luận án vẫn phải phụ thuộc vào hội đồng xét duyệt: nếu họ “không muốn” phát hiện đồ giả thì cuộc bảo vệ sẽ thành công mỹ mãn và chỉ còn mỗi việc đi in “các vi-dít” giới thiệu Doctor Ph.D.
Còn một nguyên nhân khiến các vị “hội đồng” thường dễ dãi cho qua các luận án bảo vệ là chuyện “thời thế, thế thời phải thế”: số lượng phó tiến sĩ và tiến sĩ hết sức quan trọng với sự tồn tại của cơ sở đào tạo. Lượng càng nhiều thì uy tín của trường càng lớn và càng thu hút được nhiều thí sinh, cũng như sự tài trợ từ phía nhà nước và cộng đồng doanh nhân. Và với sự biến tướng của môi trường giáo dục đào tạo, sự lạm phát bằng cấp, học vị ở nước Nga đang gây quan ngại cho các cấp quản lý, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nghiên cứu khoa học.
Nếu như cách đây hơn 20 năm, để tốt nghiệp ĐH, một sinh viên phải học bền bỉ, phải thường xuyên đến thư viện, tham gia các hội nghị khoa học… thì nay mọi chuẩn mực đã thay đổi… Đến mức, Thủ tướng V.Putin mới đây phải công phẫn nói rằng, ngay cả giáo dục “miễn phí” cũng đang trở thành “có phí”… Và nước Nga không dễ dẹp được “chợ” bằng cấp này trong ngày một, ngày hai…
BÍCH AN