Chợ cá sau bão

Một chợ cá ở mom sông Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) được họp từ mấy chục năm nay. Chợ chỉ nghỉ trong ngày mùng 1 Tết âm lịch hay khi có bão. Nơi mom sông đó có khoảng 300 người họp chợ từ 3 giờ sáng, và mỗi buổi chiều hàng ngày để đón những tàu cá vào bờ. Chợ với bao cảnh đời mưu sinh, có những phụ nữ nuôi chồng, gánh vác sức lực cho con ăn học đều từ đây. Từ phiên chợ này, bao phụ nữ khác đến nhận cá, chở đi xa tít đến các bản làng trên núi Trường Sơn bán kiếm lời. Một phiên với chợ cá ở đấy, thấy được bao mảnh đời vươn lên trong khó khăn, nhất là sau bão.
Chợ cá sau bão

Một chợ cá ở mom sông Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) được họp từ mấy chục năm nay. Chợ chỉ nghỉ trong ngày mùng 1 Tết âm lịch hay khi có bão. Nơi mom sông đó có khoảng 300 người họp chợ từ 3 giờ sáng, và mỗi buổi chiều hàng ngày để đón những tàu cá vào bờ. Chợ với bao cảnh đời mưu sinh, có những phụ nữ nuôi chồng, gánh vác sức lực cho con ăn học đều từ đây. Từ phiên chợ này, bao phụ nữ khác đến nhận cá, chở đi xa tít đến các bản làng trên núi Trường Sơn bán kiếm lời. Một phiên với chợ cá ở đấy, thấy được bao mảnh đời vươn lên trong khó khăn, nhất là sau bão.

        Bữa chợ eo sèo

Ba giờ sáng, chợ cá sau bão vẫn tụ họp, hàng quán xơ xác nhưng ở góc mom sông này giữa trời đầy sao, chẳng còn gì để gió thổi, từng chiếc tàu đánh cá gần bờ qua đêm, nay đã trở về, bao giọng nói thổ ngữ đủ khắp các miền quê Quảng Bình phát ra, rì rào, lúc to lúc nhỏ vang rộng khúc sông. Trời lạnh, từng khuôn mặt người tím tái. Chị Hoa ở miết tận làng biển Nhân Trạch, Bố Trạch vào buôn cá từ tàu lên chợ, chị buôn sĩ. Mới 3 giờ sáng chị đã tranh cãi với một nhóm buôn cá vùng Quảng Trạch đi vào. Cũng chỉ chưa thống nhất giá cá hôm nay, chị Hoa hô cao hơn để người đánh lộng có chút tiền lời, nhưng nhóm của Thanh, Giang ở Quảng Trạch muốn ép xuống vài giá, vậy là tiếng nặng nhẹ phát ra. Giọng khi khản đặc, khi khét lẹt, những bàn tay chỉ trỏ ầm cả khúc sông.

Lão ngư Nguyễn Hòa nói: “Bọn tui ưng bán cho chị Hoa vì được giá, nhưng nhóm Thanh, Giang miệng mồm dữ quá, ngư dân cũng thua nên phải bán cho họ, không thì chẳng nghe được. Cứ bán cho chị Hoa chục cân cá thì cũng phải bán cho nhóm ni năm cân cho đồng huề bọn tui mới khỏi bị chửi. Buôn có bạn, bán có phường là rứa chú ơi”.

Chợ cá bên sông Nhật Lệ lao xao mua bán.

Chợ cá bên sông Nhật Lệ lao xao mua bán.

Bất giác cuối góc chợ vang lên tiếng hát, thấy kỳ lạ, một người buôn cá đứng cạnh nói là của một phụ nữ điên tình. Chị ấy từng nổi tiếng buôn bán đồ khô ở chợ, nhưng bị lừa tiền, lừa tình mà ra chợ cá hát, bỏ sạp bỏ nghiệp, đứng hát từ 2 giờ sáng đến bình minh mới thôi và đi xin ăn khắp chợ. Bỗng nhiên trong tiếng hát đó xen lẫn vào tiếng khóc. Cả chợ nhốn nháo, hỏi ai khóc, vì sao khóc. Người này truyền tai người kia câu hỏi. Tay vẫn đếm cá thoăn thoắt. Rồi rì rào từ góc dưới tiếng khóc truyền tin lại cho cả chợ: “Con Nguyệt ở Quảng Ninh mất 5 triệu đồng tiền vốn, không biết rơi ở mô cả. Chừ tìm tiền trả tiền cá không có, đứng khóc như trời trồng”. Xen trong tiếng khóc ướt sũng mưa rét là đôi lúc lao xao tiếng cười giữa những người buôn cá, xen trong tiếng đó là tiếng mặc cả, nhiều khi í ỏi nặng mùi kim tiền. Xen trong tiếng mặc cả là đôi khi ồn ào cãi vã, thậm chí chửi tục nhau giữa đàn ông, đàn bà, giữa đàn bà với nhau. Khuôn chợ ở khu sông này ngày nào cũng vậy.

        Bán cá nuôi con thạc sĩ

Trong 300 con người buôn cá ở đây họ có những quy trình riêng. Người buôn sỉ cá từ tàu lên bờ. Người buôn sỉ từ bờ lên những chiếc xe máy chở đi khắp các nẻo làng quê, đặc biệt vượt núi lên đồng bào vùng cao để bán. Họ không phạm vào lãnh địa của nhau. 300 con người là 300 hoàn cảnh, 300 phận đời. Phía sau những người phụ nữ tay nồng mùi cá ấy là những đứa con, những kiếp sống phụ thuộc hẳn vào mom sông bên dòng Nhật Lệ này. Có người nuôi chồng đau yếu như mệ Thon, có người nuôi chồng già như mệ Hoạch, lại có người sống cô đơn như chị Thanh, chị Hoa, cũng có người mưu sinh vất vả để nuôi cả đàn con 8 đứa như chị Tam.

Có một người phụ nữ tôi gặp khá đặc biệt, chị không cho nêu tên tuổi vì cuộc đời vùi dập chị quá nhiều. Trước đây gia đình chị giàu có nức tiếng ở một huyện quê lúa, chị cũng tham gia vào đường dây vay mượn lãi cao, tiền vào như nước, bao nhiêu tiền bạc chị cho các đầu nậu lãi suất đen vay hết, đến khi vỡ nợ thì chồng tự vẫn, người đòi nợ đến đập nát cửa nhà, kiện cáo tùm lum, phải bán đất bỏ xứ mà đi. Về Đồng Hới, chị ở trọ cùng hai đứa con gái, từ chiếc xe đạp cà tàng, sau 5 năm gầy dựng, chị đã sắm xe máy để bán cá phương xa ở miền núi rẻo cao. Chị kể: “Chừ trốn ở chợ cá mà nhà báo cũng biết rồi, hỏi thì xin kể nhưng nhớ đừng đưa tên vì còn nợ nần lớn lắm, sợ bị chủ nợ tìm tới hành hung”. Nay cuộc sống chị nói là tạm được, vay đời chừ phải trả đời nhưng còn hai đứa con gái nên chị đang dồn sức lực làm việc để nuôi con, một đứa học đại học và một đứa đang học thạc sĩ.

Bên chợ, chị Mận đang quần những con cá to. Hỏi chuyện mới biết nhà ở góc cát Hải Thành. Nhà Mận chục năm trước lượm những viên táp lô người đời vứt đi để thưng lại thành lều tạm. Cần mẫn cùng chồng buôn bán, nay Mận đã dựng được căn nhà mái bằng kiên cố, nuôi hai con ăn học đàng hoàng. Mận nói: “Không có chợ cá ni e đời em chẳng có nhà, chẳng có tiền nuôi được con cái. Nhờ có chợ cá, mỗi ngày lời ít tiền lẻ, cộng dồn lại mà làm được giấc mơ cuộc đời”...

        Tình người ở mom sông

Chợ cá ở đây nhìn bề ngoài ồn ào dâu bể, những lời to tiếng nặng nhưng lại giàu tình người đằng sau bao ồn ào lao xao đó. Mận kể: “Nhìn lộn xộn thế nhưng chợ cá cũng tôn trọng người lớn tuổi, người có uy tín, chị em cũng thương hoàn cảnh nhau lắm. Có khi chửi nhau ầm trời, nhưng xong thì vẫn chị chị, em em. Ở đây có mấy nhóm tự gây quỹ để giúp nội bộ nhau khi đau ốm, tang gia, hoàn cảnh khó khăn”. Mỗi ngày hết phiên chợ, mỗi người gom góp 5.000 đồng cho quỹ của chị em chợ cá. Họ để một người trong nhóm đảm nhận công việc. Giữa buổi chợ nghe ai đau ốm, họ có thể trích tiền mặt hoặc góp cá để hỏi thăm. Chị Nguyệt mất tiền, cả mấy nhóm góp lại cho mượn, không cần bảo chứng ký cam kết, chỉ nói miệng, “khi mô đủ vốn thì trả một nửa, một nửa chị em giúp”. Thế là chị Nguyệt từ nước mắt lưng tròng đã bắt đầu mạnh mẽ ra giá buôn bán như chưa mất tiền.

Bữa bão lốc giày xéo làng quê, chị em chợ cá cũng quyên góp áo quần được mấy chục triệu, tự bỏ tiền thuê xe đi vào nơi tang thương thiệt hại trao từng món quà, tuy nhỏ nhưng đầy yêu thương. Tết đến, họ cũng mua gạo biếu người nghèo. Những đồng tiền từ bàn tay người phụ nữ ở chợ trong canh ba lấp lánh vảy cá, nặng mùi tanh nồng, nhưng tôi biết, đó là đồng tiền lao động cật lực và trong cảnh ồn ào đó, chị em chợ cá có một tình người đáng trân trọng.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục