Cho con

Lần đầu mẹ đi công tác xa nhà, ba và con dặn dò mẹ đủ thứ. Không ai bảo mà con trai cặm cụi ngồi vẽ bức tranh nói là tặng mẹ đem theo làm kỷ niệm rồi cất vào ba lô của mẹ. Bức tranh với nét vẽ còn nguệch ngoạc của đứa trẻ lên năm có ba và mẹ dắt tay con đi chơi ở công viên - mẹ mang ra khoe với các cô chú trong nhóm khi xe lăn bánh, cả nhóm cùng cười khen con đáng yêu quá.

Chiều biên giới mưa bay lất phất, se lạnh… Mẹ lo không biết trời Sài Gòn có mưa? Ba từ cơ quan xa có kịp về đón con?...

Con đường đất đỏ hoang sơ, ngoằn ngoèo chỗ thì lầy lội, chỗ thì gập ghềnh, hai bên là rừng cây, lâu lâu mới thấy một mái nhà cuối cùng cũng đưa mẹ đến Trường Tiểu học Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Giờ ra chơi các em nhỏ nô đùa trên khoảnh sân còn ngổn ngang đất đá.

Thương lắm những tiếng cười trong trẻo, những chiếc áo học trò lấm lem bụi đỏ, những ánh mắt trẻ con không giấu được mệt mỏi ẩn trên gương mặt đen sạm của Phương, của Thị Lin (đồng bào dân tộc)… sáng sớm bụng đói meo vẫn phải ra đồng chăn trâu, cắt cỏ kiếm tiền phụ giúp gia đình; trưa về lội bộ nhiều dặm đường xa hai mùa mưa nắng để đến trường, mà ước mơ trẻ thơ chỉ là mong nhà có đủ hai bữa ăn để có sức đi học, để không phải bỏ học nửa chừng.

Nhớ lắm nụ cười bẽn lẽn, cái dáng gầy còm đen nhẻm của Lến, ngại ngùng nấp sau lưng các bạn khi cả lớp đồng thanh giới thiệu: “Bạn đó nhà nghèo nhất đó cô!”…

Đường về thành phố, hành trang của mẹ giờ đầy ắp thêm kỷ niệm đêm mưa biên giới nghe kể chuyện về những anh hùng vô danh, kỷ niệm về các em nhỏ, những người dân nghèo hiếu khách, thân thiện, về những bữa cơm ấm áp tình thân và cả lời hứa sẽ quay trở lại…

Rồi mẹ sẽ kể cho con nghe thêm nhiều điều về vùng đất mẹ vừa qua, nơi tuy xa mà gần, nơi ngỡ lạ mà bỗng trở nên thân thương không biết tự bao giờ…

Tháng 10-2010

THU CÚC