“Nóng ruột” với việc thiếu khung pháp lý để triển khai các đặc khu kinh tế, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội (QH) khóa XIII đã quyết nghị “đẩy” thời hạn xây dựng, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lên 2 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ (Chính phủ đề nghị trình QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10). Tuy nhiên, theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự án luật này khó có thể hoàn thiện, trình QH tại kỳ họp thứ 8.
Tại phiên họp về xây dựng pháp luật do Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì tổ chức hồi cuối tuần qua, ông Nguyễn Chí Dũng giải trình rằng, đặc khu hành chính - kinh tế là một mô hình một số nước đã thành lập từ lâu, trong những điều kiện kinh tế xã hội rất khác so với hiện nay và cũng không phải là mô hình có tỷ lệ thành công cao. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, chúng ta không có mô hình để đối chiếu, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc gắn hành chính với kinh tế đã khiến cho dự án luật này đã khó lại càng khó hơn; cần có thời gian nghiên cứu rất kỹ mới đảm bảo chất lượng...
Trong khi đó, các nhà lập pháp có quan điểm khác. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý thẳng thắn bày tỏ sự không hài lòng: “Không làm bây giờ, song song với việc sửa đổi các luật về tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương thì bao giờ mới làm? Để lại sau thì khi đưa ra những cơ chế hành chính đặc thù sẽ lại phải sửa các luật về tổ chức chính quyền vừa ban hành trước đó. Mặt khác, chính vì nước ta đi sau trong việc xây dựng các đặc khu hành chính - kinh tế nên càng không thể chậm trễ hơn nữa”.
Sớm xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật cho mô hình đặc khu hành chính - kinh tế cũng là quan điểm đã được nhiều nhà quản lý và chuyên gia kinh tế kiến nghị trước đó. Theo GS-TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đến nay trên thế giới đã có hơn 3.500 khu kinh tế tự do tại 135 quốc gia. Ở Việt Nam, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII (tháng 12-1997), ý tưởng xây dựng các khu kinh tế đã được đề xuất. Tuy nhiên, mãi đến năm 2002, chủ trương xây dựng thí điểm mô hình khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) mới được quyết định và đến nay đã có 18 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 54.000ha. Những khu kinh tế này đã đạt được các kết quả nhất định xét về các mặt thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết công việc làm ăn cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương... Tuy thể chế ở các khu kinh tế này có những điểm vượt trội so với các khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thu đất... nên so với các khu kinh tế tự do trong khu vực và trên thế giới còn nhiều bất cập, không đủ sức cạnh tranh. Chính vì thế, cho đến nay hầu như chưa có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thực hiện đầu tư ở các khu kinh tế này.
Bên cạnh việc xác định đúng những vị trí có lợi thế địa kinh tế thuận lợi nhất để xây dựng các đặc khu kinh tế, ông Vương Đình Huệ nhận định, ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải sớm xây dựng, thông qua Luật về đặc khu hành chính - kinh tế theo hướng hiện đại, mang tầm quốc tế, có sức cạnh tranh vượt trội với các đặc khu khác đã hình thành trên thế giới. Đặc biệt, những cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài nước ngoài phải được xem trọng nhất.
Đặc khu kinh tế không chỉ hướng tới mục tiêu tạo ra các động lực tăng trưởng, mà còn là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế mới trước khi trở thành thể chế, chính sách của cả nước. Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, công tác lập pháp cần thận trọng, nhưng cũng không thể quá cầu toàn, bởi không bao giờ có thể lường trước tất cả mọi vấn đề có thể xảy ra và chính vì vậy mà hệ thống chính sách pháp luật mới luôn cần được rà soát, điều chỉnh, bổ sung. Đây cũng là việc đã được QH khóa XIII phân tích, cân nhắc nhiều mặt trước khi thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng pháp luật.
Thực hiện kết luận số 74-KL/TW ngày 17-10-2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XI, một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt đang được xúc tiến. Ba khu kinh tế được lựa chọn đầu tiên gồm Vân Đồn - tỉnh Quảng Ninh; Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang; Bắc Vân Phong - tỉnh Khánh Hòa. Một số địa điểm khác cũng đã được nhắm tới. Hy vọng các đặc khu này - vốn đã quá “sinh sau đẻ muộn” - không phải chờ quá lâu để có thể thực sự triển khai.
Bảo Vân