Chờ đến bao giờ?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1341/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Giới nghệ thuật thật sự hồ hởi đón nhận tín hiệu mới này. Về thể thao, ngành thể thao gần như vắng một đề án tập trung vào đào tào tài năng (mặt cá nhân) dài hơi và đang rất cần điều ấy.

6 năm trước, khi Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ phê duyệt, giới làm thể thao đã rất kỳ vọng. Phải khẳng định, chiến lược này ra đời đã giải quyết được nhiều tồn tại cũng như khó khăn của ngành thể thao xưa nay.

Theo đó, ngành hướng trọng tâm vào phát triển từ tổng quát “xây dựng và phát triển nền thể dục, thể thao nước nhà để nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tăng tuổi thọ của người Việt Nam theo tinh thần vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh, hội nhập và phát triển” cho tới cụ thể là “mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động TDTT quần chúng, đáp ứng nhu cầu giải trí của xã hội và tạo thói quen hoạt động, vận động hợp lý suốt đời. Đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận; thống nhất quản lý phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp theo hướng tiên tiến, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân; nâng cao thành tích thi đấu, giữ vững vị trí là một trong 3 quốc gia có thành tích thể thao đứng đầu khu vực Đông Nam Á, tiến tới thu hẹp khoảng cách trình độ đối với thể thao châu Á và thế giới”. Tuy nhiên, tiếc là cho đến nay, ngành TDTT vẫn chưa bắt tay vào thực hiện chiến lược mang tầm vĩ mô, hoặc chí ít là chia nhỏ và xây dựng chương trình đào tạo tài năng chuyên biệt.

Trở lại với lĩnh vực thể thao, chúng ta từng có nhiều tuyển thủ ra nước ngoài tập luyện nhưng 5 năm trở lại đây, gọi là dài hơi hiện chỉ có Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Diệp Phương Trâm (tập tại Mỹ) và Quách Thị Lan, Quách Công Lịch (tập tại Mỹ, nhưng đã về nước). Tuy nhiên, họ đi tập không trong một đề án đào tạo tài năng cụ thể chung của ngành thể thao mà ban đầu là ra nước ngoài tập huấn để phát triển năng lực. Sau thời gian, nhờ tập luyện và thi đấu tốt, VĐV được nối tiếp chương trình (Ánh Viên là ví dụ cụ thể nhất).

Theo tìm hiểu, ngành thể thao chưa thực hiện một đề án cho cá nhân VĐV ra nước ngoài tập dài hạn để trở thành “gà nòi” làm nhân tố tài năng xuất chúng. Từng địa phương trong từng giai đoạn, là có chương trình đào tạo tài năng của mình. Trước, thể thao TPHCM thực hiện đào tạo chương trình Thế hệ vàng, thể thao Hà Nội không gọi cụ thể như vậy nhưng từng gửi quân sang Trung Quốc tập nhiều năm (TDDC là ví dụ). Bây giờ, những chương trình đó gần như đã... biến mất.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục