Chờ đến khi nào?

40 năm sau ngày thống nhất đất nước, 35 năm kể từ khi hội nhập với thể thao thế giới thông qua sự kiện Olympic Moscow 1980, đến nay các môn thể thao của Việt Nam đều đã có vàng ở sân chơi vừa tầm nhất là SEA Games, duy chỉ có bóng đá nam là chưa được. Môn bóng đá nam tham dự mọi giải đấu, từ sân chơi khu vực đến vòng loại Olympic, World Cup mà mỗi lần như vậy đều tốn kém gấp nhiều lần các môn thể thao khác, thế nhưng chiếc huy chương vàng (HCV) SEA Games vẫn là một giấc mơ, rất gần nhưng lại rất xa.

Nói như vậy để thấy, đoạt HCV SEA Games không nên gọi là “giấc mơ” hay mục tiêu nữa mà cần xem đó là trách nhiệm của những người làm bóng đá. Không thể lấy bất kỳ lý do gì để giải thích việc đăng ký chỉ tiêu “vượt qua vòng đấu bảng SEA Games 28” như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa đăng ký với đoàn thể thao Việt Nam. Chúng ta đã không ít lần thất bại, mỗi lần như vậy là một bài học kinh nghiệm, nhưng không thể cứ “học” mãi mà không thành tài, nhất là trong bối cảnh việc đầu tư cho đội tuyển U.23 dự SEA Games luôn ngang bằng với quá trình đầu tư cho một đội tuyển quốc gia - tính cả về ngân sách nhà nước lẫn nguồn tài trợ từ liên đoàn. Không thể mọi môn thi đấu đều phải đăng ký chỉ tiêu HCV, trong khi môn bóng đá kỳ nào cũng góp mặt lại không đặt cho mình mục tiêu cao nhất.

Từ trước đến nay, sau mỗi thất bại tại SEA Games, các nhà quản lý thường hay đổ lỗi cho vấn đề đào tạo trẻ của các câu lạc bộ. Trên thực tế, chưa có lúc nào mà bóng đá trẻ lại được ưu ái như hiện nay - từ chỗ chỉ có các địa phương đào tạo bóng đá trẻ để phát triển phong trào, đến nay đã có gần 10 trung tâm chuyên đào tạo của tư nhân, nhiều học viện bóng đá còn có sự tham gia của các câu lạc bộ hàng đầu thế giới, dù ai cũng biết đầu tư cho hoạt động đào tạo không thể có lợi nhuận. Từ chỗ các câu lạc bộ chỉ đổ tiền chuyển nhượng cầu thủ thì hiện nay, đa số các đội bóng ở V-League đều có 3 tuyến trẻ ổn định, còn hệ thống thi đấu trẻ đã hoàn thiện từ lứa tuổi U.13 đến U.21 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều cơ quan truyền thông uy tín. Bóng đá trẻ Việt Nam cũng tham gia mọi giải đấu quốc tế đủ các độ tuổi, cũng gặt hái không ít thành tích lạc quan. Nói cách khác, xã hội đã sử dụng nhiều nguồn lực để phát triển bóng đá trẻ trong 20 năm qua, vấn đề còn lại thuộc về trách nhiệm của liên đoàn.

Vì lẽ đó, thật không xứng tầm nếu chúng ta chỉ cử đội U.23 tham dự SEA Games với mục tiêu tối thiểu, thay vì phải xác định ngay từ đầu là giành HCV. Không giống với các giải đấu trẻ khác, những cầu thủ U.23 tham dự SEA Games đa phần đều là những cầu thủ chuyên nghiệp, nhiều người cũng đã khoác áo tuyển quốc gia, đang thi đấu tại V-League nên việc đặt nặng thành tích không có gì sai với nguyên tắc phát triển bóng đá trẻ. Hơn nữa, môn bóng đá nam luôn có mặt tại các kỳ SEA Games, được xem như một trong những môn thi đấu quan trọng nhất đại hội, thì vấn đề thành tích lại càng được xem trọng, không thể xem đấy như một sân chơi mang tính học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Nếu không đặt mục tiêu cao thì tốt nhất không nên tham gia. Còn một khi đã đầu tư cho đội U.23 dự SEA Games, các nhà quản lý cũng cần nhận trách nhiệm về thành tích. Có như vậy chúng ta mới hoàn thành khát vọng HCV và qua đó, cũng xác định được thành công hay thất bại sau mỗi lần tham dự.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục