Cho đi là còn mãi!

Vượt qua nỗi đau, nhiều gia đình đã dũng cảm hiến tặng một số bộ phận cơ thể của người thân để dành sự sống cho người khác. Nghĩa cử cao đẹp ấy đang lan rộng khắp nơi, khi mà chỉ trong 2 tuần, ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đến 2 gia đình hiến tạng thân nhân của mình, cứu giúp nhiều người bệnh đang chống chọi, duy trì sự sống.

Nghĩa tình của vợ chồng nghèo bán bún

Là người con của TP Vũng Tàu, sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở Côn Đảo trở về đất liền, anh N.T.T. (SN 1980) kết duyên cùng chị Phạm Thị Sự (SN 1987) và mở một quán bán bún nhỏ ở thành phố biển để làm kế sinh nhai. Quán bún ở con hẻm 196 đường Lê Lai là chiếc cần câu cơm nuôi sống cả gia đình, gồm hai vợ chồng, 3 đứa con nhỏ và người mẹ già.

Giống như mọi ngày, 5 giờ sáng 13-5, anh T. chạy xe máy ra quán để dọn dẹp trước khi vợ anh đưa hàng ra bán. Thế nhưng, có ai ngờ được đó là chuyến đi cuối cùng của anh T. khi anh bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, mặc dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng chấn thương vùng đầu quá nặng, tiên lượng xấu. 

Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp, vừa ôm đứa con út mới hơn 2 tuổi, chị Sự nghẹn ngào kể: “Hôm đó sau khi nghe bác sĩ nói chồng tôi đã chết não và chỉ còn 5% dấu hiệu sinh tồn, tôi rụng rời tay chân. Nghĩ đến 3 đứa con nhỏ và mẹ già ở nhà mà lòng tôi càng như thắt lại. Biết không còn hy vọng cứu chữa cho chồng, tôi nghĩ đến những người bệnh khác đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật, tôi quyết định đến tìm bác sĩ để hiến tạng của anh với hy vọng sẽ làm được một việc tốt trước khi tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng”.

Cho đi là còn mãi! ảnh 1 Ca hiến tạng của bệnh nhân N.T.T.

Chị Sự cho biết, lúc đó chị đau đớn lắm, nhưng khi nghe bác sĩ nói sẽ cứu được 4 người thì chị nhẹ lòng hơn, cảm thấy như chồng còn sống mãi với chị và các con. “Khi còn sống, qua tin tức báo đài, hai vợ chồng từng bàn về chuyện hiến tạng. Anh nói đó là việc cao cả, không phải ai cũng làm được. Khi đi lễ, hai vợ chồng cũng được nghe thêm nhiều câu chuyện cứu người qua việc hiến tạng nên tôi nghĩ việc làm của tôi cũng là những gì anh mong muốn”, chị Sự bày tỏ.

Dù hoàn cảnh khó khăn, đến tiền học thêm cho mấy đứa con cũng chật vật nhưng với tấm lòng nhân hậu, chị chỉ mong những người nhận được một phần cơ thể của chồng mình biết quý trọng cuộc sống hơn. Và chị Sự mong muốn sẽ có thêm nhiều người hiến tạng để cứu những người khác qua cơn hoạn nạn.

Ngã xuống nhưng nhiều người sống lại

Cũng là một người con của TP biển, đi lính ở Côn Đảo, thế nhưng anh T.H.P. (SN 1997) từ khi sinh ra đã có phần thiệt thòi hơn so với bạn bè đồng trang lứa, khi không biết mặt cha. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ đã gửi anh lên chùa để có thời gian đi làm gom góp tiền nuôi con học hành nên người. Khi kinh tế gia đình ổn định, anh P. được mẹ đón về nhà ở xã đảo Long Sơn nuôi dưỡng. Thấm thoắt, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, anh P. trưởng thành và chững chạc hơn rất nhiều.

Theo một người bạn của anh P., cách đây vài tháng, trong lúc cùng một số anh em ra Côn Đảo thăm bạn, P. cho biết mình muốn hiến tạng bởi nếu P. có ngã xuống, người khác sẽ đứng dậy. P. nói sẽ hiến tạng cho tất cả những người cần.

Ít ai ngờ rằng ngày định mệnh đã đến. Một đêm đầu tháng 5, khi đang chạy xe máy về nhà, anh bị tai nạn dẫn đến chấn thương vùng đầu rất nặng, bệnh viện kết luận anh bị chết não. Khi bà Tô Thị Ánh Hồng, mẹ anh P., đang thẫn thờ bên giường bệnh của con trai thì các bạn của P. đến thăm và nhắc lại di nguyện của anh.

Sau một lúc suy nghĩ, mẹ anh đã đến gặp bác sĩ và ký vào đơn hiến tạng con trai. Đến khi bệnh viện báo tin các ca ghép tạng từ tim, gan và thận của anh P. đã thành công, lòng bà mới nhẹ nhõm. “Người mẹ nào mà không xót con, nhưng tôi làm theo di nguyện của con, con mình ngã xuống nhưng nhiều người được sống lại”, bà Hồng rưng rưng tự hào.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bà Rịa, trước đây tại bệnh viện rất ít các gia đình thực hiện việc hiến tạng người thân. Câu chuyện của người mẹ hiến tạng con cứu người ở ba miền đất nước đã nhận được sự chia sẻ và lan tỏa đến đông đảo người dân. Những ngày đầu tháng 5-2021, liên tục 2 ca hiến tạng đều tại Bệnh viện Bà Rịa. Việc hiến và ghép tạng của người chết não thường đột xuất, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng của đội ngũ y bác sĩ thì cần có sự phối hợp trong vận chuyển nhanh.

Sự thành công của các ca hiến tạng vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM đã giúp đỡ và hỗ trợ hết mình khi quãng đường hơn 80km nhưng các anh chỉ mất khoảng 1 giờ để chuyển những trái tim, quả thận và lá gan của người hiến đến với người nhận. Một hành trình đầy ý nghĩa - mang “món quà của sự sống” đến với người bệnh.

GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từng nói, khâu người hiến tặng mô, tạng đang là vấn đề lớn của ngành ghép tạng. Tạng ghép ở Việt Nam chủ yếu cho từ người sống, rất ít được ghép từ người chết não và đây là điều nghịch lý so với ở nước ngoài, khi hầu hết ca ghép tạng đều từ người chết não.

Theo ông, việc người chết não hiến tạng quá ít có nhiều nguyên nhân, mà rào cản từ quy định của pháp luật cũng không ít. Đơn cử, luật quy định người chết não vừa có thẻ hiến tạng vừa phải có sự đồng ý của gia đình. Rất nhiều trường hợp dù người chết não có thẻ hiến tạng nhưng gia đình không đồng ý, các bác sĩ cũng đành bất lực.

Theo thống kê, giai đoạn 2010-2020, Việt Nam ghép tạng được hơn 5.220 ca, trong đó 318 ca là lấy tạng từ người chết não. Đây là một con số quá khiêm tốn so với hơn 1.500 ca chấn thương sọ não mỗi năm và trung bình mỗi năm, chúng ta chỉ vận động được khoảng 10 ca chết não hiến tạng. Riêng năm 2019, cao nhất cũng chỉ có 20 người chết não hiến tạng, so với các nước châu Âu con số này quá nhỏ.

Tin cùng chuyên mục