Chờ đợi giải pháp

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với làn sóng giảm phát thứ ba trong vòng một thập kỷ, các nền kinh tế mới nổi được xem là dễ tổn thương nhất, trong đó có Indonesia và Malaysia. Hai nền kinh tế hàng đầu của Đông Nam Á này đã xuất hiện nhiều dấu hiệu giảm phát trong vài tháng qua khiến người ta lo ngại tái diễn các vấn đề tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Theo CNBC, hồi đầu tuần này, 1 USD đổi được 14.280 rupiah, mức thấp nhất kể từ tháng 7-1998 (thời điểm khủng hoảng kinh tế châu Á). Do Ngân hàng Trung ương Indonesia phải dùng ngoại tệ để can thiệp vào tỷ giá nên dự trữ ngoại tệ của nước này giảm từ 107,55 tỷ USD trong tháng 7 xuống còn 105,35 tỷ USD vào cuối tháng 8. Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng giảm, đang ở mức 2,1% GDP, thấp hơn Thái Lan với mức hơn 3% GDP. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Indonesia trong quý 2-1015 giảm còn 4,6%, mức thấp nhất trong gần 6 năm qua do xuất khẩu giảm.

Trước tình thế này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 9-9 đã công bố gói chính sách điều tiết kinh tế nhằm thúc đẩy đầu tư. Theo báo Jakarta Post, ông Widodo cho biết: “Chính phủ Indonesia đang cố gắng loại bỏ các chướng ngại để tăng năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp như loại bỏ tình trạng quan liêu và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp”. Chính phủ Indonesia sẽ tập trung vào ba lĩnh vực: tăng cường năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp, đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng và tăng cường đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt, sẽ xem xét lại 89 quy định để tránh sự trùng lặp trong thủ tục cấp giấy phép kinh doanh. Trước đó, Tổng thống Indonesia Widodo cũng đã cải tổ nội các theo hướng đưa thêm các nhà hoạch định chính sách và điều hành kinh tế vào những chức vụ chủ chốt cũng như mở rộng cắt giảm thuế lớn cho các khoản đầu tư hơn 1 ngàn tỷ rupiah tập trung vào 9 ngành công nghiệp tiên phong, trong đó có lọc hóa dầu thô và viễn thông.

Với Malaysia, theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế nước này có phần dễ bị tổn thương nhất trước làn sóng giảm phát thứ ba toàn cầu. Phần lớn vấn đề liên quan đến giá dầu hạ vì Malaysia là nước xuất khẩu dầu khí và dầu cọ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, mang về 1/3 doanh thu của chính phủ. Thặng dư tài khoản vãng lai tính đến tháng 6-2015 chiếm 2,7% GDP, giảm mạnh so với 17% GDP vào năm 2008. Đồng ringgit của Malaysia đã giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm so với USD khi 1 USD= 4,17 ringgit, gần với mức 4,57 ringgit vào năm 1997. Chính phủ Malaysia đã bơm 12 tỷ USD dự trữ ngoại tệ để can thiệp tỷ giá nhưng chưa có dấu hiệu tích cực và nguồn dự trữ đang ở mức dưới 100 tỷ USD được cho là đáng ngại nếu có thêm các cú sốc về tiền tệ. Ngoài ra, theo Ngân hàng HSBC, tổng số nợ tín dụng, bao gồm cả hộ gia đình, doanh nghiệp và nhà nước của Malaysia hiện cao hơn so với ở Trung Quốc và đang tiếp tục tăng. Chỉ riêng nợ của hộ gia đình hiện chiếm 80% GDP.

Nhìn chung, có 3 nguyên nhân chính đẩy hai nền kinh tế Đông Nam Á này vào nguy cơ giảm phát là: giá dầu giảm, kinh tế Trung Quốc giảm tăng trưởng và dòng vốn nước ngoài rút lui. Ngoài ra, còn nguy cơ tiềm ẩn là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào các giải pháp tránh khủng hoảng Indonesia và sắp tới là Malaysia để tránh giảm phát.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục