Chờ một sự trở lại

Bóng đá TPHCM có một năm “đại hỷ”: CLB TPHCM trở lại V-League sau 4 năm vắng mặt khiến làng cầu thành phố hiện có đến 2 đại diện ở sân chơi bóng đá cao nhất. Đội bóng đá nữ 2 năm liên tiếp vô địch quốc gia. Đội futsal Thái Sơn Nam là nòng cốt của đội tuyển futsal quốc gia tạo nên kỳ tích World Cup… Chưa bao giờ bóng đá TPHCM lại thành công trọn vẹn từ đỉnh cao đến phong trào như năm vừa qua. Không bất ngờ khi tại đại hội LĐBĐ TPHCM (HFF) vừa kết thúc, ban chấp hành nhiệm kỳ cũ được tín nhiệm tiếp tục công việc thêm 4 năm nữa.

Thực tế trong bóng đá, 4 năm là rất ngắn, chưa đủ cho một giai đoạn đào tạo cầu thủ trẻ chứ đừng nói đến thành công trên đỉnh cao. Nhưng có thể thấy HFF nhiệm kỳ 5 đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, nhất là khi phải tiếp nhận một hiện trạng hết sức bế tắc của nhiệm kỳ trước. Hệ thống bóng đá phong trào hiện đã lan rộng đến khắp các trường học, các trung tâm đào tạo trẻ như PVF đã gặt hái những thành quả tích cực mà cụ thể là đóng góp phân nửa quân số cho đội tuyển U.19 vừa giành quyền dự World Cup U.20. Riêng trên phần đỉnh cao, từ chỗ là “vùng trắng”, hiện TPHCM là địa phương duy nhất có 2 đội đá V-League.

Nhưng thật ra, điều lớn nhất mà HFF đã làm được trong 4 năm qua chính là khơi dậy được bầu không khí bóng đá tại TPHCM, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của nhiệm kỳ vừa qua. Đó không chỉ là những khán đài chật kín khán giả tại sân Thống Nhất, không chỉ ở các trận đấu của đội tuyển quốc gia thi đấu mà còn ở những sân bóng phong trào tại Gò Vấp, Tân Phú trong một số giải đấu “phủi” có tính chuyên nghiệp cao được nhiều công ty tư nhân tổ chức gần đây. Từ chỗ đá bóng cho vui, không còn muốn đến sân xem bóng đá, người hâm mộ TPHCM hiện lại rục rịch tổ chức các giải phong trào, đăng ký cho con đi học các lớp bóng đá tại Hoa Lư, quận 2, Tao Đàn… Dù vẫn chưa có được sự sôi động như 2 thập niên trước, nhưng rõ ràng cuộc sống bóng đá đang trở lại với TPHCM.

Nhưng cũng chính vì thế, thách thức dành cho HFF nhiệm kỳ 5, những người như Chủ tịch Trần Anh Tú còn hơn trước gấp nhiều lần. Từ chỗ đem lại niềm đam mê mới cho người hâm mộ, đến việc chuyển sự quan tâm đó thành nguồn lực thu hút tài chính cho CLB TPHCM vừa thăng hạng là điều không dễ chút nào. HFF hiện vẫn đang theo đuổi mô hình “đội bóng của thành phố” với mong muốn mỗi người hâm mộ là một cổ đông CLB, nhưng trước mắt là áp lực tìm ra nguồn ngân sách gấp 3 lần so với khi còn đá tại hạng nhất. HFF hiện cũng chỉ mới bắt đầu triển khai hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của CLB Lyon (Pháp) nhằm củng cố các tuyến kế thừa cho tương lai. Đó đều là những công việc vượt quá năng lực hiện nay của HFF.

Chính vì thế, đây có lẽ là thời điểm mà bóng đá rất cần nhận thêm nhiều sự quan tâm từ lãnh đạo TPHCM. Sự động viên và những cơ chế có tính đột phá đến từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc tìm lại thời hưng thịnh cho làng cầu TPHCM. Có như vậy thì nỗ lực âm thầm của những nhà điều hành tại HFF sau 4 năm qua sẽ không bị lãng phí.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục