Chờ mùa vàng từ LHP Cannes 2016

Bộ phim của Woody Allen được chọn công chiếu trong đêm mở màn Liên hoan phim (LHP) Cannes 2016. Tác phẩm mới nhất của Steven Spielberg không dự tranh nhưng có buổi chiếu đặc biệt và đạo diễn gạo cội Pedro Almodóvar một lần nữa hạ quyết tâm giành Cành cọ vàng. Chỉ cần những chi tiết vậy thôi cũng đủ khiến LHP Cannes 2016  (diễn ra từ ngày 11 đến 22-5) rất đáng chờ đợi.
Chờ mùa vàng từ LHP Cannes 2016

Bộ phim của Woody Allen được chọn công chiếu trong đêm mở màn Liên hoan phim (LHP) Cannes 2016. Tác phẩm mới nhất của Steven Spielberg không dự tranh nhưng có buổi chiếu đặc biệt và đạo diễn gạo cội Pedro Almodóvar một lần nữa hạ quyết tâm giành Cành cọ vàng. Chỉ cần những chi tiết vậy thôi cũng đủ khiến LHP Cannes 2016  (diễn ra từ ngày 11 đến 22-5) rất đáng chờ đợi.

Cuộc đua cân tài, cân sức

Đạo diễn và là Chủ tịch LHP Cannes 2016 Pierre Lescure cho biết, lượng phim gửi về năm nay đông kỷ lục: “Chúng tôi đã xem 1.869 phim truyện điện ảnh trước khi chọn lựa được những tác phẩm xuất sắc. Năm ngoái, con số này là 1.850 và cách đây khoảng 15 năm là 1.000 phim. Với sự phát triển của thời đại kỹ thuật số, số lượng phim chúng tôi nhận được mỗi năm đều tăng lên. Nguyên tắc bình đẳng và dân chủ tại Cannes đó là tất cả mọi người đều được gửi phim tham gia và sẽ được trình chiếu. Trong số 1.869 phim không phải đại diện nào cũng xuất sắc nhưng tất cả đều được sàng lọc kỹ lưỡng”.

Như thường lệ, chỉ có 20 bộ phim xuất sắc nhất vượt qua những vòng tuyển chọn gắt gao để đi đến cuộc đua tranh cuối cùng cho hạng mục danh giá: Cành cọ vàng.

Năm nay, Cannes tiếp tục chứng kiến nhiều đạo diễn từng giành giải hay gây ấn tượng mạnh tại các mùa giải trước đó. Có thể kể đến Olivier Assays với Personal Shopper, Pedro Almodovar với Julieta, Jean-Pierre và Luc Dardenne với The Unknown Girl, Xavier Dolan với It’s Only the End of the World, Cristian Mungiu với Graduation... Nhưng LHP Cannes năm nay cũng không thể thiếu vắng những gương mặt lần đầu có vinh dự đặc biệt này. Đó là Cristi Puiu (Romania) với Sieranevada, Brillante Mendoza (Philippines) với Ma’Rosa. 

Hạng mục Un Certain Regard (Góc nhìn đặc biệt) năm nay có sự tham gia của 17 bộ phim trong khi có 10 phim ngắn được lựa chọn ra từ hơn 5.000 tác phẩm gửi tham gia vòng sơ tuyển. Trong khi đó, hạng mục Cinéfondation tập trung vào các bộ phim được thực hiện bởi sinh viên tại các trường đại học có 18 phim dự tranh, trong đó có 4 phim hoạt hình từ 2.300 ứng viên đề cử. 2/3 tác phẩm được lựa chọn là các dự án đầu tay và hơn một nửa trong số đó thuộc về các đạo diễn nữ. Các đại diện đến từ Bosnia và Venezuela lần đầu lọt vào vòng tranh giải cuối cùng.

Một điều thú vị không kém đó là trước đây LHP Cannes luôn khước từ các phim của LHP Sudance, nhưng năm nay, ngoại lệ đã xảy ra khi Captain Fantastic - bộ phim từng được trình chiếu tại LHP Sudance trước đó sẽ tranh giải ở hạng mục Góc nhìn đặc biệt.

Julieta của đạo diễn từng 2 lần giành giải Oscar Pedro Almodóvar là một trong những ứng viên nặng ký của LHP Cannes 2016. Ảnh: Warner Bros

Tin mừng với Trung Đông và những tiếc nuối

Với số lượng tác phẩm đồ sộ gửi về tranh giải, dĩ nhiên LHP Cannes cũng để lại không ít tiếc nuối bởi còn quá nhiều anh tài lại lỡ hẹn mùa giải năm nay. Không ít khán giả từng mong đợi Martin Scorsese cùng Silence, Derek Cianfrance cùng The Light Between the Oceans, Clint Eastwood cùng Sully... sẽ đến LHP Cannes, nhưng thực tế họ đã vắng mặt.

Đạo diễn Iran từng giành giải Oscar - Asghar Farhadi cũng vắng mặt tại LHP Cannes năm nay. Danh sách tiếc nuối này cũng được nối dài hơn khi các cường quốc điện ảnh: Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, Mỹ Latin, Tây Âu... đều vắng mặt.

Nhưng LHP Cannes vẫn còn tin mừng đối với nền điện ảnh Trung Đông. Ngay cả khi Farhadi không có tác phẩm nào được lựa chọn tại Cannes 2016, điện ảnh khu vực này vẫn còn những đại diện đáng chú ý.

Dù không có bộ phim nào tranh giải ở các hạng mục lớn nhất, nhưng tại Góc nhìn đặc biệt, họ có rất nhiều đối thủ đáng chú ý: Behnam Behzadi (Iran) với Inversion, Maha Haj (Israel) với Personal Affairs, Eran Kolirin (Israel) với Beyond the Mountain and the Hills. Điện ảnh Ai Cập cũng góp mặt với Clash của Mohamed Diab.

Còn đó những trăn trở

Cũng như Oscar, trong nhiều năm qua, những tranh cãi liên quan đến vấn đề sắc tộc và bình đẳng giới tại LHP Cannes chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ có số lượng nhỏ đạo diễn nữ có tên trong danh sách đề cử và năm nay, vấn đề đó cũng không thể tránh khỏi.

Trong số 20 phim tranh Cành cọ vàng, chỉ có 3 tác phẩm của nữ đạo diễn gồm: Maren Ade (Đức) với Toni Erdmann, Andrea Arnold (Anh) với American Honey và một nhà làm phim người Pháp Nicole Garcia với From the Land of the Moon.

“Chúng tôi biết về những rủi ro và chúng ta đang nói đến điều đó”, Thierry Fremaux, Giám đốc LHP Cannes 2016 thẳng thắn nhìn nhận.

Sau làn sóng Oscar da trắng, tranh cãi tại LHP Cannes dù không gay gắt đến mức như vậy, nhưng theo thống kê, tỷ lệ người da trắng tại Cannes 2016 chiếm đến 80%. Mặc dù trong cuộc họp báo công bố, ban tổ chức cho biết LHP nhấn mạnh vào chất lượng tác phẩm và đó là tiêu chí hàng đầu nhưng điều đó dường như không xoa dịu hầu hết mọi người. “Đôi khi những rủi ro chuyển thành đau đớn”, Giám đốc LHP Cannes 2016 Thierry Fremaux cho biết.

Đêm bế mạc sẽ đầy ngạc nhiên

Mỗi kỳ LHP Cannes, các phim được lựa chọn chiếu đêm khai mạc luôn gây tiếng vang lớn, do đó, với ban tổ chức, áp lực chọn phim cho đêm bế mạc là thử thách không nhỏ. Năm 2015, bộ phim tài liệu Ice and the Sky đã được lựa chọn trong khi một năm trước đó, là tác phẩm A Fistful of Dollars.

Và LHP Cannes năm nay, một điều mang tính đột phá đã diễn ra: không có phim nào được lựa chọn trước cho đêm bế mạc. Thay vào đó, tác phẩm giành giải Cành cọ vàng sẽ nhận được vinh dự đặc biệt này. Đây được coi là thay đổi mang tính lịch sử.  

HẢI DUY

Tin cùng chuyên mục