Cho mùa xanh hy vọng

Giữa đám đàn ông con trai đen nhẻm cục mịch, Phương nổi lên như một hoàng tử với dáng dong dỏng và nước da trắng. Cùng mọi người phơi nắng trên công trường bụi đỏ khi cao điểm, Ngân mang cơm, bao bọc kín mít cũng bị ám nắng đen nhẻm, thì Phương chỉ đỏ au một, hai ngày rồi trắng như cũ. Mấy anh công nhân đùa: “Trắng như thằng Phương mới thấy bẩn cần tắm, tụi anh đen vầy dơ chẳng ai hay, tắm phí nước”.
Cho mùa xanh hy vọng

Phương tài hoa, biết đánh đàn, thổi sáo và hát rất hay, hơn thế, Phương có nụ cười rất sáng. Những bài hát Phương hát, Ngân thường không biết. Hết phổ thông Ngân theo bà dì đi khắp nơi, khi buôn bán khi phụ bếp, toàn ở rừng ở rú. Có tiền, Ngân gửi về cho mẹ chữa bệnh, mua được cặp bò, vừa rồi còn sửa sang được cái nhà. Ở tập thể, cơm nước dì lo, mỗi tháng Ngân chỉ mất chừng trăm ngàn đồng mua xà bông, dầu gội và “đồ phụ nữ”, còn lại Ngân cất kỹ.

Ngân còn kiếm được thêm chút ít. Cơm công nhân ăn không hết, Ngân mang phơi khô, ai mua thì bán, không thì cuối tuần Ngân rang phồng lên, cho thêm ít đường hoặc ít nước mắm mỡ hành, thành món ăn vặt khoái khẩu. Cơm canh anh em ăn dư bỏ mứa, Ngân mang về đổ vào chuồng. Là cái chuồng dã chiến nuôi mấy con vịt, mấy con gà và cả hai con lợn.

Ngân đang chăm bé Mi. Con bé là con anh Toản, theo bố đi công trình từ ngày tròn tuổi, yếu nhớt như dải khoai. Ngân không nghe ai nhắc đến mẹ con bé, cũng không tò mò. Ai chẳng có nỗi đau hay chuyện khó nói, được cái con bé khôn ngoan và bám Ngân. Nó nói không thích ở nhà ba Toản, muốn ở nhà cô Ngân vì được ăn ngon và ngủ êm, cô Ngân lại thơm nữa, ôm ngủ rất mềm.

Đôi lần mẹ giục về thôi, còn chồng con, Ngân cười, quanh Ngân đầy đàn ông, muốn lấy chồng lúc nào chẳng được. Một công trình ngắn cũng ba năm, dài thì bảy tám năm. Mấy chàng kỹ sư, cử nhân chân ướt chân ráo ra trường bị quăng lên công trình, xung quanh chỉ rừng rú và công việc. Lắm anh có người yêu trước khi lên đây cũng thành không, anh nào chưa có, cầm chắc ế. Vài người không trụ được, bỏ việc về thành phố tìm việc khác, lương thấp hơn nhưng còn thấy đèn điện xanh đỏ. Trên này lương cao, lại chẳng có gì để tiêu xài, nhưng ngày ngày chỉ nhìn thấy màu xanh của cây, màu đỏ của đất bazan chán chết, lúc này người ta lại thở dài “tiền nhiều để làm gì?”.

Trong những bữa cơm tập thể, Ngân nghe anh em đùa, lên đây như mắc phải lời nguyền không ế cũng thành ế. Những người trụ lại, chẳng biết ai có lý tưởng, ai cố vì lương cao, phụ cấp nhiều, ráng mấy năm có chút vốn rồi tính tiếp.

Ngân đi chợ, gặp cô gái lạ hỏi đường về khu tập thể, cô nói mình là người yêu của Phương. Đó là Hoa, mới ra trường, trong khi chờ sắp xếp công việc tranh thủ lên thăm coi Phương ăn ở sao. Ngân hỏi, có cần nhắn Phương về không, Hoa lắc đầu nói muốn đi quanh chỗ này coi sao. Ngân đưa cô về phòng mình nghỉ tạm, lúc giũ chiếu, Ngân thấy Hoa nhíu mày lấy tay che miệng khi thấy bụi đỏ bay bay.

Đám con trai thấy Phương tay cắp thau quần áo đầy ứ, bên cạnh là cô người yêu như hoa thì biết ý né hết sang phía bên kia bể, lúc giội nước cũng ý tứ không để bắn tung tóe, lúc vục cái xô vào bể cũng nhẹ nhàng hơn. Ngân ngồi trong bếp đội nón lá, khăn tay làm quai nón che kín mặt, cũng lắng tai nghe hai người họ nói chuyện. Cô gái ngồi nghịch nước với vẻ mặt lơ đãng, cánh tay thon thả trắng ngần, Phương ngồi cạnh, mắm môi vắt áo quần. Ngân nảy ra ý định mua cái máy giặt về cho thuê. Đồ của anh em toàn đồ bảo hộ, mỗi lần giặt là một lần ngại, có máy giặt chắc đỡ nhiều.

- Không lẽ anh bắt em đợi thêm ba năm nữa?

Giọng Hoa chợt vóng lên, tiếng xối nước như ngừng lại. Tiếng Phương hiền hòa:

- Tết này anh xin về sớm, mình cưới.

- Rồi em vò võ ở thành phố một mình? Mang tiếng có chồng mà bơ vơ cô quạnh?

***

Buổi trưa, Ngân chuyển mấy thùng cơm lên xe, rủ Hoa ra công trường cho biết nơi Phương làm việc. Xe tải chao đảo trên con đường quanh co xóc nảy. Một viên đá mắc vào giữa hai lốp sau khiến cái xe thêm phần cáu kỉnh cứ hực lên bực dọc. Ngân lo giữ thùng cơm canh, thấy mặt Hoa nhợt nhạt và dòng nước mắt từ từ chảy loang trên mặt cô.

Người yêu đến thăm, nhưng Phương không xin nghỉ được để đưa Hoa đi đâu, anh đi làm cả ngày, buổi trưa nhờ Ngân gọi Hoa xuống ăn cơm, chiều về hai người ăn vội rồi cùng nhau ra cổng. Ngoài kia có một dãy những quán cà phê, Ngân chưa vào đấy bao giờ, cũng chẳng có thời gian mà đi. Anh em cơm nước xong, Ngân còn ở lại dọn dẹp và chuẩn bị cho bữa sáng mai. Lúc từ nhà bếp về, nhìn phòng Phương đóng kín cửa tắt đèn mà Ngân nghe tức ngực.

Mấy ngày, Phương lơ ngơ. Dì nói sáng đó nghe hai người họ cãi nhau, cô gái khóc và bỏ đi. Phương uống rượu liên tục, các chiều không ôm đàn mà chuyển sang ôm chai, tóc dài không buồn cắt.

- Có khi em bỏ việc, em về thành phố, quanh năm ở rừng thế này thì sống làm sao, đời người có mấy lần thanh xuân mà chôn vùi ở đây. Cô ấy nói đúng, lấy chồng mà vẫn bơ vơ một mình thì lấy làm gì.

- Cậu có thể đưa cô ấy theo.

- Cô ấy sống ở đây sao được anh. Cô ấy thích cuộc sống sôi động của trung tâm thương mại, rạp chiếu phim và những con đường đầy xe cộ với những món đặc sản. Ở đây mấy ngày cô ấy đã nổi mụn, môi nứt nẻ và bụi đỏ nhét đầy kẽ móng chân.

Nghe Phương nói chuyện với Toản, Ngân len lén liếc nhìn những móng chân mình, những móng chân đỏ quạch với viền đỏ, những cái móng chưa kịp dài đã phải cắt cụt cho tiện.

Và một sớm, không thấy Phương lên xe đi công trường, mọi người vào phòng tìm mới thấy mọi thứ đã được dọn dẹp sạch sẽ. Ngân không nói khi sáng nhóm bếp, thấy Phương kéo vali đi, anh còn tần ngần rất lâu giữa sân mới quyết định sải bước ra cổng, anh không thấy Ngân nhìn theo, hẳn anh không nghĩ giờ đó Ngân đã dậy.

Toản đã đưa bé Mi về quê để con bé chuẩn bị đi học, nghe nói nó khóc dữ lắm, cứ đòi cô Ngân. Ngân nghe tức ngực, nhớ con bé, đi làm về là Toản ghé qua bếp, giúp Ngân chẻ nhỏ mớ củi, đổ đầy thùng phuy nước và mở điện thoại để bé Mi nói chuyện với dì Ngân.

Dì cháu Ngân đi thì lấy ai làm cấp dưỡng cho hơn trăm con người. Tìm người thay đâu phải dễ, mấy ai chịu xa gia đình chồng con lên đây nhọ nhem nhọ thỉu. Ngân cũng tiếc khi phải bỏ lại tất cả. Cái chuồng gà kia là mấy anh chung tay đóng, ruộng rau muống nước, xung quanh trồng cả rau nhút, bạc hà và nhiều loại rau thơm kia, Ngân tích cóp vun vén cả năm mới nên cây nên cành như giờ. Mấy lần mua được mớ cá nhỏ, mớ tôm tươi còn nhảy tanh tách. Ngân lén dì thả xuống ruộng, không biết chúng có sống được không?

Lúc nghe Ngân nói sẽ ở lại, dì ừ, bảo sẽ nói chuyện với mẹ Ngân. Hẳn dì hiểu Ngân ở nơi này, một phần vì kiếm tiền, nhưng cái chính là Ngân đã yêu nơi này, yêu không khí trong trẻo và sự tĩnh lặng của núi rừng. Nơi này cần Ngân, Ngân cần cho rất nhiều ai đó. Xa nhà xa quê khiến người ta gần nhau hơn, sống thật và hiền hòa hơn. Công trình của các kỹ sư ngoài kia ầm ào tiếng máy và mùi dầu mỡ cùng bụi đỏ. Ở góc của khu tập thể cũng có công trình của Ngân lục bục tiếng cơm sôi, ngào ngạt mùi xào nấu và có ánh lửa ấm áp.

Tin cùng chuyên mục