Chợ quê ngày hội

Sau một đêm trình diễn đầy ấn tượng tại lễ khai mạc, sáng 6-6, du khách rời chốn đô thị náo nhiệt tìm đến “Chợ quê ngày hội” để hòa mình vào không gian có cây đa, bến nước, mái đình… Đây được xem là hoạt động cộng đồng hấp dẫn và thu hút du khách nhất tại Festival Huế 2010 lần này.
Chợ quê ngày hội

Sau một đêm trình diễn đầy ấn tượng tại lễ khai mạc, sáng 6-6, du khách rời chốn đô thị náo nhiệt tìm đến “Chợ quê ngày hội” để hòa mình vào không gian có cây đa, bến nước, mái đình… Đây được xem là hoạt động cộng đồng hấp dẫn và thu hút du khách nhất tại Festival Huế 2010 lần này.

Du khách thích thú với trò chơi đập om tại lễ hội. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Du khách thích thú với trò chơi đập om tại lễ hội. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Chợ quê ngày hội” được tổ chức trong không gian rộng lớn tại làng Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy cách TP Huế 10km về phía Đông. Nơi đây còn bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của vùng nông thôn Việt Nam.

Trong ngày khai hội, hàng ngàn du khách đã hội tụ về đây để được một lần… làm nông dân. Những hình ảnh đơn sơ, mộc mạc của cây đa, bến nước, mái đình, phủ đệ, cảnh chợ phiên... tạo ra một không gian văn hóa làng xưa độc đáo. Khu chợ quê, nơi được ví như bảo tàng nông cụ gồm các vật dụng sinh hoạt trong đời sống thường ngày của nông thôn xưa: Thúng, mủng, mẹt, giần, sàng, rổ rá, gióng, đòn gánh tre, lạt buộc, tò he, sản phẩm lưu niệm thu nhỏ, giống cây trồng, vật nuôi… thu hút rất đông du khách đến xem.

Bên cạnh khu chợ quê, một góc vườn được tái hiện cảnh sinh hoạt đời thường của vùng nông thôn ngày xưa, như giã gạo, xay lúa, chằm nón… đã lôi cuốn rất đông du khách. Phía dưới dòng sông Như Ý là cảnh những chiếc thuyền đua tranh tài sôi nổi.

Góc xa xa, tiếng rao bún hến, bánh tét, tôm chua, bún cua... của các o, các mệ (bà) càng làm sôi động hơn không gian buổi chợ quê bên dòng sông Như Ý thơ mộng. Tại đây, du khách còn được thưởng thức các món ăn dân dã đặc trưng của vùng đất cố đô: bánh nậm, bánh lọc, bánh canh cá lóc... Những sản vật truyền thống, ngày hội ca kịch, ngâm thơ... của vùng quê Hương Thủy cũng tạo ra nét hấp dẫn khiến du khách không thể  rời chân.

Điểm nhấn của du khách về với phiên chợ quê lần này là cây cầu ngói cổ kính, nguyên sơ kết cấu bằng gỗ kiểu “thượng gia hạ kiều” nằm ở giữa trung tâm chợ nối hai bờ của dòng sông Như Ý được xây dựng vào năm 1776. Năm nay, lễ Cung nghinh linh vị bà Trần Thị Đạo - người xây dựng nên cầu ngói Thanh Toàn, từ nhà thờ họ Trần đến cầu ngói Thanh Toàn đã được tái hiện một cách chân thực và sinh động.

Đến với “Chợ quê ngày hội - cầu ngói Thanh Toàn”, du khách thật sự được sống trong không gian xưa nhẹ nhàng, lắng đọng, man mác tình quê với câu hò thân thương: Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui.

Tối cùng ngày, Ban tổ chức Festival Huế 2010 đã khai mạc chương trình “Huyền thoại sông Hương”. Chương trình miêu tả cảnh thuyền du sông của vua triều Nguyễn, đi đầu là thuyền cung đình và 20 thuyền rồng theo sau. Khởi đầu từ trước bến thuyền lăng Minh Mạng lúc 17 giờ, khi hoàng hôn bắt đầu nhuốm lên dòng sông sắc tím rất riêng của Huế, đoàn thuyền sẽ từ đây khởi hành về Nghinh Lương Đình, trước mặt Phu Văn. Trên quãng sông dài hàng chục cây số được dàn dựng và bố trí 9 điểm nhấn tại điện Hòn Chén, nhà máy nước Vạn Niên, bãi bồi, cầu Xước Dũ, Văn Miếu, đình Kim Long, chùa Thiên Mụ, cầu Bạch Hổ.

Cùng thời gian, tại sân khấu hồ Tịnh Tâm (Đại Nội) khai mạc chương trình nghệ thuật “Hơi thở của nước”. Chương trình dựa trên cốt truyện chính là tình yêu của đôi trai tài, gái sắc. Cô gái Kinh Bắc duyên dáng, xinh đẹp được tuyển vào làm cung nữ trong cung vua, trên thuyền tới kinh thành trong tâm trạng cô đơn, cô gái đã nhớ lại quãng thời gian tươi đẹp bên người mình yêu dấu; mặt hồ Tịnh Tâm chính là chiếc gương soi ký ức của cô gái…

HÙNG - LÊ - THẮNG

Thông tin liên quan:

>> Nhiều hoạt động đậm chất dân gian tại Festival Huế 2010

>>Festival Huế 2010 - Hàng vạn du khách đội mưa khai hội

Tin cùng chuyên mục