Chờ sự bứt phá từ "Chuông vàng vọng cổ"

Vòng chung kết đầu tiên của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2016 (CVVC) diễn ra trong sự mong đợi của nhiều khán giả màn ảnh nhỏ, công chúng yêu mến loại hình nghệ thuật ca cổ, cải lương. Tuy nhiên, sau những nỗ lực thể hiện phần thi tài ca diễn của 12 thí sinh, không ít khán giả đã bày tỏ cảm giác băn khoăn khi chất lượng ca diễn, cũng như sức khỏe của các thí sinh gặp nhiều vấn đề.
Chờ sự bứt phá từ "Chuông vàng vọng cổ"

Vòng chung kết đầu tiên của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2016 (CVVC) diễn ra trong sự mong đợi của nhiều khán giả màn ảnh nhỏ, công chúng yêu mến loại hình nghệ thuật ca cổ, cải lương. Tuy nhiên, sau những nỗ lực thể hiện phần thi tài ca diễn của 12 thí sinh, không ít khán giả đã bày tỏ cảm giác băn khoăn khi chất lượng ca diễn, cũng như sức khỏe của các thí sinh gặp nhiều vấn đề.

Gian nan thử sức

Ở bất cứ cuộc thi nào, càng vào vòng trong, các thí sinh được chọn đều phải gồng gánh trên vai mình những áp lực về tâm lý, sức khỏe, khả năng ứng biến, sự tự tin, phong cách cá nhân… trước ban giám khảo. Đặc biệt, ở cuộc thi CVVC, các thí sinh càng dễ run, khớp, mỗi khi bước ra sân khấu trình diễn trước ban giám khảo, hội đồng nghệ thuật, đông đảo khán giả tại trường quay, các ống kính đang thu hình xoáy vào từng cử chỉ, hành động, điệu bộ, phong cách thể hiện tài năng của thí sinh trên sân khấu.

Để có thể hoàn thành được trọn vẹn bài thi, đòi hỏi mỗi thí sinh phải có sự tập trung cao độ để thể hiện tài năng, bản lĩnh làm chủ sân khấu. Tuy nhiên, tại vòng thi chung kết đầu tiên, không ít thí sinh đã để lại dấu ấn chưa tốt khi còn hát sai nhịp, cách luyến láy, cách vô câu vọng cổ, lúc xuống câu vọng cổ không đạt được độ chín muồi cần thiết. Quan trọng hơn nữa, trong cách thể hiện các tác phẩm dự thi, người xem, người nghe, chỉ mới cảm nhận được một điều là các thí sinh như mới học thuộc bài để trả bài chứ chưa vận dụng được hết những cảm xúc cá nhân vào trong nội dung bài ca diễn.

Có một điều đáng tiếc thường gặp ở mỗi lần tổ chức cuộc thi CVVC chính là vấn đề sức khỏe của các thí sinh trong các đêm thi. Nhiều thí sinh do tập luyện nhiều ảnh hưởng sức khoẻ, nên giọng hát ít nhiều kém sắc, yếu nội lực, chất lượng ca diễn giảm hẳn so với lúc tập luyện cùng ban huấn luyện. Và kết quả đáng tiếc chính là hầu hết những thí sinh gặp vấn đề về sức khỏe, sau khi bước ra sân khấu thi tài ở những đêm chung kết đầu tiên đều phải rời cuộc chơi sớm hơn các thí sinh khác.

Nguyễn Thị Ngọc Châu là thí sinh được yêu thích trong đêm thi chung kết đầu tiên

Mặt khác, nhìn vào thực tế, qua đêm thi đầu tiên, cuộc thi năm nay có quá ít giọng ca lạ, đặc biệt, mang bản sắc riêng, khó lẫn giữa nhiều thí sinh khác như từng thấy ở cuộc thi CVVC những năm trước. Đó sẽ là điều thiệt thòi cho sân chơi nghệ thuật tài tử cải lương, vốn luôn đòi hỏi những nhân tố mới phải có nét đặc trưng rất riêng, để có thể ghi lại dấu ấn lạ, cuốn hút.

9 thí sinh vào chung kết

Tại đêm chung kết đầu tiên của cuộc thi CVVC năm nay, 12 thí sinh của TPHCM, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Hà Nội, Phú Yên, Long An, Tây Ninh, đã thể hiện hết mình qua khả năng ca, diễn, sắc vóc… Từ đêm tranh tài đầu tiên này, ban giám khảo, hội đồng nghệ thuật cuộc thi đã chọn ra 9 thí sinh có số điểm thi cao để tiếp tục bước vào đêm chung kết xếp hạng tiếp theo diễn ra vào tối 8-9 tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM. Đó là những gương mặt trẻ nhiều tiềm năng: Võ Thị Ngọc Quyền, Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung, Huỳnh Tiểu Nhi, Trịnh Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Ngọc Châu, Lê Văn Hậu, Võ Thanh Tiền, Tô Tấn Loan, Võ Hoàng Dư.
 
Đến đêm thi chung kết 2, diễn ra vào tối 8-9, tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM, từng thí sinh sẽ cùng với một nghệ sĩ khách mời ca bài vọng cổ (4 câu). Thang điểm chấm thi cho thí sinh vẫn là chất giọng (giọng ca, làn hơi, đài từ, chất giọng, phát âm, nhã chữ…), nhịp (chắc, sắp nhịp, nhịp nhàng, phân câu, tiết tấu…), và kỹ thuật biểu diễn (sắc vóc, trang phục, diễn cảm, vũ đạo, hình thể…). Từ đây, sẽ có 5 thí sinh có số điểm cao nhất được chọn vào thi tiếp vòng chung kết 3, diễn ra vào tối 15-9.

Cả hai vòng thi chung kết 3 và chung kết 4 (tối 22-9), như mọi năm, luôn là những đêm thi hấp dẫn và lôi cuốn khán giả nhất vì các thí sinh sẽ thi diễn một trích đoạn cải lương với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, sân khấu được dàn dựng hoành tráng, lung linh, bắt mắt.

Có thể khẳng định, càng về gần đích cuộc thi, nhờ sự tham gia trình diễn, hỗ trợ các thí sinh CVVC của những nghệ sĩ tên tuổi trong làng sân khấu cải lương, đã luôn đem lại những cung bậc nhiều sắc màu cho cuộc thi, thu hút khán giả, công chúng theo dõi, ủng hộ, cổ vũ nồng nhiệt. Hy vọng, với kinh nghiệm tổ chức cuộc thi hơn 10 năm, Ban tổ chức CVVC 2016 sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều điều kiện để các thí sinh có cơ hội tỏa sáng trên sàn diễn, tạo nên những bứt phá ngoạn mục trong các vòng thi cuối, cùng góp sức làm nên sự thành công của một chương trình truyền hình mang tính truyền thống, được tổ chức hàng năm, nhằm tôn vinh loại hình nghệ thuật dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa miền Nam này. Đây cũng là cách làm chương trình giải trí, văn hóa nghệ thuật ý nghĩa, giúp phát hiện thêm nhiều gương mặt có giọng ca hay, mới lạ, góp phần bổ sung thêm những nhân tố mới vào đội ngũ nghệ sĩ cải lương cả nước.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục