Ai cho con đi học cũng mong con mình được học trong môi trường tốt nhất, sạch sẽ nhất. Thế nhưng, tại TPHCM, một số trường tiểu học đang bị chợ tự phát vây trước cổng.
Nỗi lo của phụ huynh
Gọi đến đường dây nóng Báo Sài Gòn Giải Phóng, chị Lưu Ngọc Anh, có con học tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Bình Thạnh), than: “Trong trường học, thầy cô ra sức giảng điều hay lẽ phải, uốn nắn từng câu nói cho trẻ, vậy mà vừa bước ra khỏi cổng là đủ lời lẽ chợ búa, bậy bạ của những người buôn bán ở chợ tự phát trước cổng trường đập vào tai tụi nhỏ. Cháu nhà tôi cho hay, ngồi trong lớp cũng nghe tiếng các bác ngoài chợ cãi lộn”. Thật vậy, cả hai cơ sở của Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện nằm trên đường Trịnh Hoài Đức và đường Vũ Tùng đều bị bao vây bởi chợ tự phát ăn theo chợ Bà Chiểu. Chợ tự phát này hoạt động cả ngày, đông đúc nhất là vào buổi sáng. Có mặt tại cổng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện lúc 6 giờ 30, chúng tôi nghe rõ mồn một tiếng một phụ nữ bán rau lanh lảnh chửi người vừa hỏi mua hàng mà bỏ đi vì chê mắc. Thấy một học sinh lớp 3 đứng gần đó, chúng tôi hỏi cháu có thấy khó chịu khi nghe những lời không hay như vậy không, thì cậu bé thản nhiên đáp: “Con nghe hoài, cũng thấy bình thường!”.
Phía cổng phụ của Trường Tiểu học Nhật Tảo là bãi giữ xe máy cho người đi chợ
Phân hiệu 2 của Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) nằm lọt thỏm trong chợ tự phát trên đường Tôn Thất Đạm (phường Bến Nghé, quận 1). Cổng trường bị che khuất sau những hàng quán bày la liệt ngoài đường. Anh Vương Đình Chiến, có con học ở đây, phản ánh: “Mỗi lần đưa con đến trường, tôi phải cẩn thận dặn giờ ra chơi chỉ chơi phía trong sân trường, chứ không nên ra khu vực gần cổng. Phải dặn vậy vì e cháu ra phía ngoài nghe người ta nói tục quen, rồi về nói bậy. Chuyển trường cho con thì không thể, mà để con tiếp xúc với môi trường xô bồ từ nhỏ, rất lo! Chưa kể mỗi ngày đưa đón con luôn bị cản trở bởi các quầy sạp bày hàng lấn ra lòng đường”.
Trường Tiểu học Nhật Tảo (quận 10) nằm kề chợ Nhật Tảo, vừa bước ra cổng chính là đụng vào các sạp hàng, còn phía cổng phụ thành bãi giữ xe máy cho người đi chợ. Tương tự, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 9) khang trang nhưng cũng bị vây bởi chợ tự phát.
Nhà trường phải gian nan
Thầy Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình, giãi bày: “Phân hiệu 2 của trường lọt trong khu chợ tự phát. Dù các học sinh rất ngoan, cư xử với thầy cô, bạn bè và người xung quanh đúng mực, nhưng thỉnh thoảng nghe những lời không hay ở ngoài chợ cũng sẽ là phần nào ảnh hưởng đến nhận thức của các em. Cũng vì nằm trong khu chợ tự phát, lòng đường chật chội, hàng quán bày la liệt nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông ở giờ vào học và giờ tan trường”. Được biết, từ lâu UBND TPHCM đã có chủ trương giải tỏa chợ Tôn Thất Đạm nhằm chỉnh trang đô thị, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Cô Nguyễn Thị Nguyệt Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, cho biết: “Thời gian gần đây, địa phương cũng đã hỗ trợ nhà trường trong việc chấn chỉnh trật tự trước cổng trường, tạo không gian thông thoáng để tiện cho phụ huynh đưa rước con. Nhưng học sinh vẫn phải vào học khá sớm, 6 giờ 45 phút đã phải có mặt trong trường để hạn chế ảnh hưởng từ phía chợ. Sự xô bồ ở chợ có ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh, nhất là lời rao hàng khá lớn khiến các cháu mất tập trung khi đang học, hoặc những lời lẽ thiếu tế nhị ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Đây cũng là trăn trở của ban giám hiệu và phụ huynh nhưng chúng tôi cũng chỉ biết nỗ lực uốn nắn các cháu, dạy các cháu điều hay lẽ phải chứ chưa có giải pháp nào triệt để hơn”.
THU HƯỜNG