Chọn cán bộ sai sẽ dẫn đến nguy cơ rất lớn cho Đảng

Chọn cán bộ sai sẽ dẫn đến nguy cơ rất lớn cho Đảng

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, tự chuyển hóa trong nội bộ đã chỉ ra nguyên nhân những yếu kém mà một trong những nguyên nhân ấy chính là trong công tác cán bộ.

Những câu chuyện nhức nhối về công tác cán bộ

Nghị quyết chỉ rõ “Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng; chính sách tiền lương, nhà ở chưa tạo được động lực cống hiến cho cán bộ, công chức”. Ngày 9-12, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai nghị quyết đặc biệt quan trọng này. Một trong những vấn đề cấp bách nhất chính là chấn chỉnh ngay công tác cán bộ nhằm làm trong sạch đội ngũ từ Trung ương đến cơ sở.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp, trong đó có công tác nhân sự.  Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, sau đó đã xuất hiện hàng loạt những câu chuyện khác “cùng họ, cùng hàng”. Tất cả các vụ việc mà báo chí và công luận phanh phui đều xoay quanh công tác cán bộ với nhiều khuất tất. Những sự kiện này đã thật sự gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nghiêm trọng của những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ cần kịp thời khắc phục.

Tại sao một người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước (Tổng Công ty Xây lắp dầu khí - NV) lỗ hàng ngàn tỷ đồng, dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay chưa làm rõ trách nhiệm nhưng lại ung dung được giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang? Tại sao một sở có 42/44 người làm lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc? Một sở theo quy định chỉ 3 phó giám đốc mà có tới 8? Một người 26 tuổi chỉ đi học, chưa hề đi làm vẫn được bổ nhiệm làm vụ phó mà vụ trưởng không biết đó là ai? Một giám đốc sở trong nhiệm kỳ đã tự ý tuyển dụng lên tới hàng ngàn người v.v…

Những năm gần đây, để giao thêm thẩm quyền cho các bộ ngành, địa phương, Trung ương đã ban hành nhiều quyết định về phân cấp thẩm quyền về công tác cán bộ. Cụ thể bổ nhiệm vụ trưởng, vụ phó và tương đương của các bộ, ngành ở Trung ương đã được phân cấp thẩm quyền cho thủ trưởng bộ, ngành. Ở các tỉnh, thành phố việc bổ nhiệm trưởng, phó phòng và tương đương ở các sở, ngành hiện nay đều được phân cấp thẩm quyền cho thủ trưởng, giám đốc sở. Có lẽ vì vậy mà đã xuất hiện nhiều những câu chuyện nhức nhối vừa qua. Công tác cán bộ bao giờ cũng phải qua một quy trình chặt chẽ và thống nhất, vậy nhưng xin một người về làm phó chủ tịch UBND tỉnh một mình ông bí thư tự quyết mà không hề thông qua ban thường vụ. Bổ nhiệm vụ phó mà đến vụ trưởng cũng không biết. Nghị định 71/NĐ/CP ngày 8-9-1998 về dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và gần đây nhất là Nghị định 4/NĐ/CP ngày 9-1-2015 thay thế nghị định này đã quy định rất rõ những việc phải công bố cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị biết, trong đó có công tác tuyển dụng, bổ nhiệm: “Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức”. Vậy mà một mình ông giám đốc sở vẫn tự tung, tự tác tuyển dụng hàng ngàn người…

Chấn chỉnh ngay công tác cán bộ

Các cơ quan nhà nước đều hoạt động từ tiền đóng thuế của người dân. Nó được người dân ủy quyền chứ không phải của riêng ai hay của một nhóm nào. Vậy tại sao có những người khi đã ngồi vào được vị trí nào đó lại ngay lập tức biến thành của riêng? Để xảy ra những câu chuyện nhức nhối trong công tác cán bộ vừa qua chính là sự buông lỏng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, buông lỏng kỷ cương trong công tác cán bộ. Từ tất cả những câu chuyện nhức nhối nêu trên đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét lại tất cả các quy định, quy trình về công tác cán bộ hiện nay.

Một vụ trưởng, vụ phó khi được bổ nhiệm đâu phải chỉ liên quan đến ngành mà họ nắm giữ chức vụ mà còn liên quan và có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Ở tỉnh, thành phố, một người được bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng, phó phòng không chỉ có tác động, ảnh hưởng trong phạm vị của ngành đó, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với toàn tỉnh, thành. Đã đến lúc cần xem lại phân cấp về thẩm quyền cán bộ hiện nay.

Theo đó, đối với các bộ, ngành ở Trung ương chỉ nên giao cho thủ trưởng quyền bổ nhiệm cấp trưởng, phó phòng thuộc bộ, ngành. Nhất thiết vụ trưởng, vụ phó và tương đương phải thông qua cơ quan quản lý cán bộ ở Trung ương mà cụ thể là Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra, Bộ Nội vụ. Cũng vậy, đối với chức vụ phó chủ tịch UBND các tỉnh như hiện nay, nhất thiết trước khi đưa ra để HĐND bầu cần phải có sự xem xét, chuẩn y của Trung ương. Đối với các sở, ngành trực thuộc tỉnh, việc bổ nhiệm trưởng, phó phòng và tương đương có thể phân cấp cho thủ trưởng ký bổ nhiệm như hiện nay nhưng nhất thiết cũng phải được sự chấp nhận của Ban Tổ chức và Sở Nội vụ các tỉnh, thành ủy trước khi quyết định. Cần có quy định “cứng” về số lượng lãnh đạo của tất cả các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, phòng ban, bộ phận và thực hiện thật nghiêm quy định này cũng như có xử lý thật nghiêm khắc nếu vi phạm.

Một trong 9 biểu hiện của suy thoái về đạo đức lối sống mà nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra, đó là “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.

Công tác cán bộ có vai trò vô cùng quan trọng và ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Tất cả những sai phạm trong công tác này vừa qua ở một số nơi đã làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chọn cán bộ sai vì lợi ích riêng của một vài cá nhân nào đó thì không chỉ xảy ra nguy cơ rất lớn với Đảng đó là tiếp tục suy giảm niềm tin với dân, mà những kẻ xấu lọt vào hàng ngũ cán bộ còn có thể gây nguy hại cho đất nước.

Hàng loạt cán bộ có liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh đã bị xử lý và sẽ tiếp tục được xử lý đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận. Đặc biệt chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của Tổng Bí thư được dư luận nhân dân đón nhận với một tâm trạng phấn khởi và kỳ vọng. Đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan và hy vọng trong nhân dân về việc xử lý các vụ việc mà dư luận bức xúc. Để thực hiện có hiệu quả nghị quyết đặc biệt quan trọng này có quá nhiều việc cần phải làm, một trong những việc quan trọng ấy chính là chấn chỉnh ngay công tác cán bộ.

Công tác cán bộ có vai trò vô cùng quan trọng và ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Tất cả những sai phạm trong công tác này vừa qua ở một số nơi đã làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chọn cán bộ sai vì lợi ích riêng của một vài cá nhân nào đó thì không chỉ xảy ra nguy cơ rất lớn với Đảng đó là tiếp tục suy giảm niềm tin với dân, mà những kẻ xấu lọt vào hàng ngũ cán bộ còn có thể gây nguy hại cho đất nước.

VŨ TRUNG KIÊN
(Học viện Chính trị khu vực 2)

Tin cùng chuyên mục