Chọn trường đầu cấp - Băn khoăn bài toán sĩ số

Mặc dù còn hơn 4 tháng nữa mùa tuyển sinh năm học 2017-2018 mới bắt đầu nhưng ngay từ bây giờ, nhiều gia đình đã nóng lòng tìm trường đầu cấp cho con. Năm nay, nhìn chung sức hút từ các trường điểm đã phần nào hạ nhiệt, thay vào đó trường công lập có tổ chức bán trú và tư thục lên ngôi.
Chọn trường đầu cấp - Băn khoăn bài toán sĩ số

Mặc dù còn hơn 4 tháng nữa mùa tuyển sinh năm học 2017-2018 mới bắt đầu nhưng ngay từ bây giờ, nhiều gia đình đã nóng lòng tìm trường đầu cấp cho con. Năm nay, nhìn chung sức hút từ các trường điểm đã phần nào hạ nhiệt, thay vào đó trường công lập có tổ chức bán trú và tư thục lên ngôi.

Hai xu hướng chọn trường mới

Nhà ở phường 16 (quận Gò Vấp, TPHCM), nhưng từ hơn tháng qua, chị Khánh Trang, mẹ của bé N.T.M., sinh năm 2011 đã chạy đôn chạy đáo nhờ người lo một chỗ học bán trú cho con trai đầu lòng tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp).

Gặp chúng tôi chỉ hai ngày sau Tết Nguyên đán 2017, chị Trang tâm sự: “Theo đúng tuyến con sẽ được gọi nhập học vào Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, nhưng do áp lực dân số trên địa bàn quá cao nên tôi nghe nhiều phụ huynh nói trường chỉ tổ chức một số lớp bán trú. Vì lo con phải vào lớp một buổi trong khi gia đình không thể sắp xếp thời gian đưa đón nên tôi đang nhờ người quen xin cho cháu một chỗ trong lớp bán trú”.

Tương tự, nhiều gia đình có con chuẩn bị vào lớp 1 tại phường Thạnh Xuân, quận 12 cũng lo tìm trường cho con. Lý do là theo phân tuyến, các bé sẽ được gọi nhập học vào Trường Tiểu học Nguyễn Văn Thệ (quận 12).

Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình), một trong những đơn vị chịu áp lực cao về sĩ số trong một giờ lên lớp

“Thông báo tuyển sinh năm nay chưa có, nhưng kinh nghiệm từ các năm trước, trường không tổ chức bán trú. Khối nào học buổi sáng thì trưa phụ huynh phải đón về và ngược lại, lớp học buổi chiều chỉ nhận học sinh từ trưa”, anh Minh Thông, một người dân có nhà cách trường 200m cho biết.

Trong khi đó, đa phần người dân sống trên địa bàn đều là dân lao động, bố mẹ đi làm suốt ngày, để con ở nhà cho ông bà đưa đón nên nhu cầu học bán trú ngày càng cao. Tuy nhiên, do hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất nên nhiều năm qua, trường chỉ tổ chức học một buổi, gia đình tự lo bữa ăn trưa cho học sinh.

Ở khía cạnh khác, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá ở các quận vùng ven có mật độ dân số cao như quận 8, Tân Bình, Gò Vấp đang có xu hướng gửi con vào trường tư thục do lo ngại vấn đề quá tải sĩ số.

Trao đổi với chúng tôi, chị Yến Nhi, nhà ở khu dân cư An Lộc (phường 17, quận Gò Vấp) cho biết, hai vợ chồng đang “nhắm” Trường Tiểu học Việt Mỹ (thuộc hệ thống trường quốc tế nhiều cấp học có hai cơ sở tại đường Phan Xích Long, quận Bình Thạnh và đường Cộng Hòa, quận Tân Bình) cho con gái đầu lòng chuẩn bị vào lớp 1.

Chị Nhi chia sẻ, bé hiện đang học Trường Mầm non Thế giới Trẻ thơ (phường 5, quận Gò Vấp). “Suốt 3 năm mẫu giáo, con đã quen với sĩ số lớp không quá 15 bạn. Phòng học có máy lạnh và mọi hoạt động trên lớp đều tổ chức theo hướng tôn trọng sở thích cá nhân, học sinh được khuyến khích bày tỏ ý kiến và vận động thể chất tối đa. Nếu lên lớp 1, con vào học trường công theo đúng tuyến với sĩ số 45-50 học sinh/lớp, giờ học phải ngồi yên nghe cô giảng, chỉ được phát biểu khi giáo viên chỉ định, tôi lo con bị sốc và thui chột khả năng sáng tạo”, người mẹ trẻ bày tỏ.

Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều ông bố, bà mẹ đứng trước ngưỡng cửa chọn trường đầu cấp cho con. Thà mỗi tháng chấp nhận chi tiêu dè sẻn để con có chỗ học tốt hơn là nhìn con chen chúc trong một lớp học đông đang là lựa chọn của nhiều gia đình trẻ, có mức kinh tế ổn định.       

Chạy trường hạ nhiệt

Bên cạnh hệ thống trường công lập đã hoạt động ổn định hàng chục năm qua, các trường tư đang “mọc” lên ngày càng nhiều với sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng. Từ mức đóng học phí ban đầu là 5-10 triệu đồng/học sinh/tháng đối với bậc mầm non và 10-15 triệu đồng/học sinh/tháng đối với tiểu học, nhiều hệ thống trường tư “sinh sau đẻ muộn” đã bắt đầu có ý thức về việc giảm học phí, kết hợp với việc tăng thêm các ưu đãi như giảm 10% học phí khi đóng học phí toàn khóa, giảm thêm 5% nếu học sinh có anh/chị học cùng trường… đã giúp kéo giảm học phí chênh lệch giữa trường công và trường tư, thu hút thêm nhiều gia đình lựa chọn.

Trên một diễn đàn mạng xã hội, mới đây đã có một phụ huynh làm bài toán nhẩm tính: học trường công học phí không quá 2 triệu đồng/tháng nhưng phát sinh thêm các khoản khác như tiền bồi dưỡng giáo viên, quỹ cha mẹ học sinh, mỗi tuần ba buổi tối phải cho con học thêm Anh văn tại các trung tâm Anh ngữ với học phí không dưới 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu gửi con ở trường tư, học phí đã “tính đúng tính đủ” trên dưới 10 triệu đồng nhưng con không cần đi học thêm tiếng Anh buổi tối (vốn là một trong những lợi thế của trường tư), lớp học có sĩ số dao động 15-25 học sinh/lớp, không phát sinh thêm các chi phí bồi dưỡng giáo viên, tiền tăng tiết hay ngoại khóa này nọ. Sau khi thực hiện phép so sánh, cuối cùng người này kết luận “công hay tư cũng tám lạng, nửa cân mà thôi”.            

Thêm vào đó, theo lý giải của trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm, do hiện nay các địa phương đang thực hiện chủ trương hoán đổi hiệu trưởng giữa các đơn vị giáo dục để đảm bảo mức chất lượng phát triển đồng đều giữa các trường công, giảm áp lực chạy đua vào trường điểm, kết hợp với quy định của Bộ GD-ĐT về việc không chấm điểm đối với học sinh tiểu học đã giúp phụ huynh có cái nhìn mới về chọn trường đầu cấp cho con. Vấn đề còn lại khiến phụ huynh lo ngại là kéo giảm sĩ số thì theo thừa nhận của nhiều quận, huyện, một khi TP chưa ngã ngũ bài toán quản lý dân số, áp lực sĩ số trong trường công vẫn là bài toán chưa tìm ra lời giải…

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục