Việt Nam, đối tác quan trọng hàng đầu của Nhật Bản ở khu vực châu Á đã được tân Thủ tướng Shinzo Abe chọn là chặng dừng chân đầu tiên cho chuyến công du nước ngoài sau khi trở lại nắm quyền Thủ tướng Nhật Bản.
Có thể thấy rằng, tân Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam làm nước đầu tiên cho chuyến công du nước ngoài trong lịch trình dày đặc của mình là hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Trước chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yasuaki Tanizaki, được dẫn lời cho biết, tại Nhật Bản, chính sách ngoại giao và chính sách kinh tế được đặt lên hàng đầu. Việt Nam có vai trò quan trọng đối với Nhật Bản, do đó, Thủ tướng Abe đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của mình.
Việt Nam và Nhật Bản có những cơ sở vững chắc để cùng nhau phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Từ hàng trăm năm trước, những bậc tiền bối của Việt Nam đã từng chọn mô hình của Nhật Bản với nhiều nét tương đồng về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, để giao lưu, học tập kinh nghiệm phát triển đất nước. Qua suốt những thăng trầm của lịch sử, đến nay những tư tưởng đó vẫn còn rất nhiều giá trị. Hiệu quả hợp tác giữa hai nước thời gian qua đã minh chứng điều đó.
Với vị trí chiến lược quan trọng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, đổi mới nền kinh tế, các doanh nghiệp Nhật Bản đã ồ ạt đầu tư vào Việt Nam như là “miền đất hứa”. Kể từ đó đến nay, Nhật Bản luôn giữ vững vai trò là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.
Thực tế, theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam cả về tổng vốn đầu tư và vốn giải ngân. Những thương hiệu hàng đầu của các nhà đầu tư Nhật Bản đã quá đỗi quen thuộc tại thị trường Việt Nam. Và Nhật Bản cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.
Khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới có những diễn biến khó lường, những thị trường lớn của Nhật Bản đang làm ăn có thể có những rủi ro như tại một số nước láng giềng khác của Nhật Bản vừa qua và với bản chất chắc chắn trong tư duy làm kinh tế của con người Nhật Bản, Việt Nam nổi lên như địa chỉ tin cậy, hứa hẹn nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp của đất nước hoa anh đào. Không chỉ dẫn đầu về vốn đầu tư vào Việt Nam, bất chấp những khó khăn về tình hình kinh tế trong nước và thế giới, Nhật Bản còn là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam.
Trong vòng 20 năm qua, Nhật Bản cam kết tài trợ Việt Nam khoảng 20 tỷ USD vốn ODA. Năm 2011, dù chịu hậu quả nặng nề nhiều mặt do động đất, sóng thần gây ra, cũng như khó khăn nội tại của nền kinh tế, Nhật Bản vẫn cam kết tài trợ Việt Nam 2,8 tỷ USD, cho thấy sự tin tưởng cao của Nhật Bản đối với Việt Nam.
Cũng cần thấy rằng, trong bối cảnh ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp Nhật Bản có tác dụng tích cực. Những hoạt động hợp tác kinh tế sôi động trong những năm qua giữa Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt là từ sau khi hai nước ký kết Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2009 đến nay, quan hệ hợp tác kinh tế đã trở nên hết sức quan trọng và có nhiều ý nghĩa với cả hai nước và khu vực.
Sau khi nhậm chức, một trong những chính sách ưu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe là đẩy mạnh quan hệ đối tác và hợp tác với các nước ASEAN. Dư luận và nhân dân Nhật Bản cũng như nhân dân Việt Nam quan tâm đến việc thực hiện chủ trương trên của Thủ tướng Shinzo Abe. Việc Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông như là một thông điệp khẳng định chắc chắn chủ trương của Nhật Bản ưu tiên phát triển quan hệ với khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam là một địa điểm quan trọng.
Với chuyến thăm này, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng sẽ khởi đầu một tương lai tươi sáng mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại.
THÀNH NAM