Chống buôn lậu thuốc lá: Cần giải pháp quyết liệt để ngăn chặn hiệu quả

Chiều 23-12, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

(SGGP).- Chiều 23-12, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và chủ trì hội nghị.

Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương, tình hình buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Ở các tỉnh biên giới và các thành phố lớn, tình trạng mua bán, vận chuyển thuốc lá lậu có lúc công khai; nhiều đường dây, đầu nậu mới phát sinh. Tội phạm buôn lậu thuốc lá đã và đang gây mất an ninh trật tự, làm suy giảm kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Theo thống kê và khảo sát của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, mỗi năm, nạn buôn lậu thuốc lá gây thất thu ngân sách nhà nước 10.000 tỷ đồng, làm mất sản lượng nguyên liệu 18.000 tấn (tương đương diện tích trồng 10.000ha), 1 triệu công nhân, nông dân ngành thuốc lá mất việc làm.

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương nhìn nhận tội phạm buôn lậu thuốc lá còn diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan: công tác phối hợp bắt giữ các đường dây buôn lậu thuốc lá của các lực lượng liên quan chưa quyết liệt, chặt chẽ và đồng bộ; nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý địa bàn, không ít cán bộ chức năng có biểu hiện tiêu cực, tiếp tay cho tội phạm buôn lậu; đấu tranh, ngăn chặn không nhắm vào địa bàn trọng điểm, yếu tố trọng tâm.

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị, hai nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero được Công ty Thương mại thuốc lá Sumatra (Indonesia) đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, nhưng công ty này lại không sản xuất tại Việt Nam, cũng không nhập khẩu, tất cả đều nhập lậu. Cơ quan chức năng phải sớm hủy bỏ việc bảo hộ hai nhãn hiệu này, nếu không muốn nạn buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp hơn. Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Tổng cục phó - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), cho rằng, để ngăn chặn nạn buôn lậu thuốc lá hiệu quả, trong mỗi giải pháp, cần có một đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được của các bộ ngành, địa phương trong công tác chống tội phạm buôn lậu thuốc lá kể từ khi có Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ. “Tuy nhiên, chúng ta không vội hài lòng vì tình hình buôn lậu vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương, bộ ngành vẫn bỏ sót những vụ nghiêm trọng, những đường dây buôn lậu thuốc lá có quy mô lớn. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, hậu quả sẽ rất khó lường”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Để công tác chống buôn lậu thời gian tới được hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới, các thành phố lớn cần quan tâm, quyết liệt hơn với các giải pháp. Phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Qua đó, tiếp tục ngăn chặn có hiệu quả, từng bước đẩy lùi buôn lậu thuốc lá. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Từ nay đến trước và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, các bộ ngành, địa phương phải mở đợt cao điểm chống buôn lậu thuốc lá, đánh mạnh vào các đối tượng buôn lậu. Phải bao vây từ bên ngoài, đánh từ bên trong, ngăn chặn đầu vào, kiểm soát đầu ra mới thành công”.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục