Chống buôn lậu thuốc lá: Cuộc chiến dai dẳng

Thuốc lá lậu “ép chết” doanh nghiệp trong nước
Chống buôn lậu thuốc lá: Cuộc chiến dai dẳng

Năm 2007, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam ước tính số lượng thuốc lá nhập lậu tiêu thụ trên thị trường trong nước lên đến trên 600 triệu bao, gây thất thu ngân sách Nhà nước từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng. Có thể nói, nạn buôn lậu thuốc lá điếu đang ở tình trạng “báo động đỏ”, cần được toàn xã hội quan tâm tìm hướng giải quyết.

Thuốc lá lậu “ép chết” doanh nghiệp trong nước

Chống buôn lậu thuốc lá: Cuộc chiến dai dẳng ảnh 1

Một lô thuốc là JET nhập lậu bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: A.T.

Ông Nguyễn Thái Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, trong tổng số 600 triệu bao thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam thì hơn 90% là thuốc lá mang nhãn hiệu Jet và Hero, còn lại là các nhãn thuốc như Nelson, Sunday, Elephant…. Thực ra, thuốc lá nhập lậu đã hiện diện tại Việt Nam từ cách đây hơn 20 năm.

Song đến thời điểm năm 2006, khi Chính phủ quyết định tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá (từ đầu năm 2008 được ấn định là 65%), thì tình trạng nhập lậu thuốc lá càng nghiêm trọng hơn. Do giá thành những loại thuốc lá lậu rẻ hơn thuốc lá phổ thông sản xuất trong nước nên các đầu nậu dễ tính ra phương án tiêu thụ.

Cách thức buôn lậu cũng rất đa dạng. Trên tuyến biên giới đất liền thì hoạt động buôn lậu thuốc lá tập trung ở các tỉnh biên giới như An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh hoặc cửa khẩu Quảng Ninh. Trên tuyến Việt - Lào, các đối tượng nhập lậu sử dụng nhánh sông Sêpôn, Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh. Trên biển, hoạt động thuốc lá diễn ra trên vùng biển Đông Bắc từ Trung Quốc qua Quảng Ninh về Hải Phòng.

Cá biệt như tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), mỗi ngày ước tính có trên 200.000 bao thuốc lá nhập lậu, khiến các cơ quan chức năng “ngủ không yên” và doanh nghiệp (DN) kinh doanh thuốc lá trong nước thì “chóng mặt”. Bởi lẽ, thuế suất TTĐB cao làm tăng sức ép trên giá bán sản phẩm thuốc lá của DN, trong khi hàng lậu thì công khai trốn thuế và tràn lan khắp các tỉnh thành. Thậm chí, “tình trạng này đang đẩy các DN thuốc lá hợp pháp vào tình trạng hết sức khó khăn, gây đình đốn sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách Nhà nước và việc làm của người lao động” - ông Trương Tấn Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam chua chát nhận định.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Không cần bàn nhiều về tác hại của thuốc lá nhập lậu đối với kinh tế nước nhà, bởi từ 20 năm qua, các nhà sản xuất, kinh doanh thuốc lá hợp pháp đã liên tục “kêu cứu” với Chính phủ và cảnh báo trước người tiêu dùng. Ngay trong các cuộc họp giao ban hàng năm của Ban chỉ đạo 127 TW (Ban chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương), việc “mổ xẻ” vấn đề liên quan đến buôn lậu thuốc lá cũng luôn là đề tài nóng.

Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn tồn tại như một thứ “ung nhọt” trong nền kinh tế với thủ đoạn ngày càng tinh vi và mức độ chống đối của các đối tượng vi phạm cũng quyết liệt hơn. Ngoài những thủ đoạn như mang vác, xé lẻ cất giấu trong người, cắt đường rừng, băng qua cánh đồng hoặc giấu hàng hóa vào phương tiện vận chuyển. Những kẻ buôn lậu thuốc lá ngày nay còn nghĩ ra lắm chiêu “liều mạng” như sử dụng xe gắn máy phân phối lớn chạy tốc độ rất cao, gây nguy hiểm tính mạng lực lượng chức năng và hành khách đi đường. “Đã không ít lần, do lực lượng chức năng ít người nên các đối tượng buôn lậu này sử dụng hung khí tấn công và giật lại hàng hóa” - một viên chức thuộc cơ quan quản lý thị trường trung ương bức xúc nói.

Thêm một khó khăn nữa ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chống buôn lậu thuốc lá. Đó là công tác bắt giữ, truy tố các đối tượng đầu nậu - những kẻ giữ vai trò chính yếu trong đường dây kinh doanh thuốc lá nhập lậu lại gặp trở ngại vì không bắt được quả tang và thiếu chứng cứ. Đa phần những người vận chuyển chỉ được thuê và luật pháp không thể truy tố hình sự đối với các đối tượng này. Đấy là chưa nói đến vấn đề kinh phí, phương tiện tổ chức trinh sát và bắt giữ thuốc lá nhập lậu. Nhiều đơn vị tại một số tỉnh thành vất vả điều tra chống buôn lậu nhưng không được thanh toán chi phí càng làm giảm tinh thần đấu tranh chống loại tội phạm này.

Cần những quyết sách căn cơ

Nhìn lại thống kê của Ban chỉ đạo 127 TW, năm 2007 lực lượng chức năng đã bắt giữ trên 7,56 triệu bao thuốc lá lậu, chỉ đạt tỷ lệ tương đương 1,2% so với tổng lượng thuốc lá nhập lậu. Điều đó cho chúng ta thấy rõ những tổn thất mà toàn cộng đồng đang gặp phải.

Thuốc lá vốn có hại cho sức khỏe. Và rõ ràng, có không ít các loại thuốc lá giả nằm trong số lượng lớn thuốc lá lậu tồn tại trên thị trường gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 75/2007/TT-BTC hướng dẫn về cơ chế thí điểm huy động kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và sản xuất buôn bán thuốc lá giả. Tuy nhiên, một số tỉnh thành vẫn chưa thống nhất khi thực hiện thông tư này. Mặt khác, vấn đề cốt lõi để chống buôn lậu hiệu quả không phải là công tác giải quyết hậu quả mà cần phải có những quyết sách căn cơ mang tầm quốc gia.

Đã đến lúc Chính phủ phải thực hiện tháo gỡ vướng mắc do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề xuất dựa trên thực tiễn. Và nên chăng, chúng ta áp dụng ngay biện pháp giải quyết việc làm ổn định cho người dân vùng biên giới, tuyên truyền pháp luật và xử lý nghiêm minh từng hành vi sai phạm, tạo ra sức mạnh đồng thuận. Nếu thực hiện thành công những giải pháp này, cuộc chiến dai dẳng chống buôn lậu thuốc lá trên 20 năm qua của đất nước cũng sẽ sớm kết thúc có hậu.

Tường Minh

Ý kiến người trong cuộc

  • Ông Phan Minh Nhựt, Chuyên viên Sở hữu Trí tuệ Tập đoàn Nike tại Việt Nam: Việc xử lý hàng giả còn quá nhiều bất cập!

Trong thời gian dài, đã có nhiều tranh cãi liên quan đến khái niệm hàng giả và xử lý hàng giả. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 06/CP ngày 16-1-2008 đã góp phần phân định ranh giới rạch ròi giữa hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ và hàng giả. Theo đó, hàng giả là khái niệm chung, bao gồm hàng (1) giả chất lượng, công dụng; (2) giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; (3) giả mạo về sở hữu trí tuệ; (4) tem, nhãn bao bì hàng hóa giả. Như vậy, hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ là một loại hàng giả theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề là việc phân định này, cũng như những quy định về xử lý vi phạm lại gây ra nhiều lúng túng cho cơ quan thực thi, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường.

A. Trinh ghi

  • Ông Nguyễn Thái Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam: Đề nghị áp dụng thuế suất TTĐB ở mức 55%

Chúng tôi thấy rằng việc xử phạt đối với hành vi kinh doanh, vận chuyển thuốc lá lậu còn bất cập và chưa đủ sức răn đe. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đang kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi khung xử lý các tội danh liên quan đến hành vi kinh doanh, vận chuyển thuốc lá lậu. Đây là biện pháp triệt để hơn ngăn chặn khả năng hình thành các đường dây, băng nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc lá lậu. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho ngành thuốc lá trong nước củng cố sản xuất kinh doanh, bảo vệ thị phần và đủ sức chống thuốc lá nhập lậu, Chúng tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép được giữ mức thuế suất thuế TTĐB là 55% trong 2 năm 2009-2010.  

  • Ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), thường trực Ban chỉ đạo 127 TW: Sẽ có nghị định xử phạt vi phạm

Dự báo năm 2008, tình hình thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với mức độ, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ban chỉ đạo 127 TW đã thống nhất, trước mắt xóa bỏ việc bày bán công khai thuốc lá ngoại nhập lậu, kể cả hiện tượng trưng bày vỏ bao, vỏ tút thuốc lá ngoại. Tại Hà Nội và TPHCM, lực lượng quản lý thị trường chủ trì kiểm tra, chặn “cầu” để nguồn “cung” giảm. Ngoài ra, Bộ Công thương đang cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với mặt hàng rượu và thuốc lá. Trong đó sẽ quy định những hành vi rất cụ thể và chế tài xử phạt tùy theo mức độ vi phạm.

Tin cùng chuyên mục