Chồng chéo lợi ích NATO với Mỹ

Những dấu hiệu gần đây cho thấy, có sự chồng chéo trong lợi ích của Mỹ và châu Âu, từ những chính sách đối phó với Nga cho đến cách giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. 

Thực tế này đặt ra những câu hỏi liên quan đến khả năng duy trì mối quan hệ NATO với Mỹ và tương lai hoạt động của tổ chức này trong bối cảnh NATO kỷ niệm 70 năm thành lập vào ngày 4-4 tới.

Hòn bấc ném đi…

Ngày 31-3, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình ở Washington D.C để phản đối cuộc họp Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến diễn ra trong 2 ngày 3 và 4-4 tại Washington D.C để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập tổ chức. Ủy ban chỉ đạo vận động quốc gia Mỹ - liên minh của các nhà hoạt động đại diện cho hàng chục phong trào hòa bình và các nhóm hành động - cho biết, cuộc tuần hành nhằm mục đích thể hiện “sự phản đối rộng rãi với NATO”.

Không chỉ có dân Mỹ tỏ ra chán ghét NATO mà ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng liên tục gây áp lực với đồng minh bằng cách khăng khăng đòi phải chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự.

Theo RFI, ông Trump yêu cầu 28 nước đồng minh của Mỹ dành 2% GDP đóng góp cho ngân sách từ nay đến 2024. Theo phân tích của chuyên gia Pháp Alexandra de Hoop Scheffer, Giám đốc Viện Nghiên cứu German Marshall Fund, Paris, địa bàn hoạt động của NATO tiếp tục mở rộng phục vụ lợi ích của Mỹ cho đến tận Afghanistan và Iraq; NATO còn giúp Mỹ thâm nhập thị trường châu Âu, sử dụng căn cứ quân sự như những đầu cầu cho chiến trường Trung cận Đông, chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố... là những lợi ích cốt lõi của Mỹ. Vậy vì sao Washington vừa tăng cường sức mạnh cho NATO, lại vừa bắt chẹt tài chính?

Nếu phân tích của chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer chính xác thì mục đích của Tổng thống Mỹ Donald Trump là gây hoang mang cho đồng minh. Châu Âu càng sợ quân đội Mỹ rút lui, thì càng dễ nhượng bộ những đòi hỏi của Mỹ trên vấn đề thương mại.

Hòn chì ném lại

Trong khi đó, NATO vẫn không ngừng củng cố sức mạnh, chuẩn bị thích nghi với một cuộc chiến giữa các siêu cường trong tương lai. Kế hoạch tái cấu trúc được xem là quan trọng nhất từ khi chiến tranh lạnh kết thúc: Tăng cường nhân sự cho các bộ tham mưu, từ 6.800 lên 8.000 người. Bộ Chỉ huy Hải quân Northwood tại Anh sẽ được cải tổ theo hướng bổ sung cho lực lượng NATO ở vùng Bắc Đại Tây Dương, tiếp giáp với Nga. Một bộ chỉ huy điều phối được đặt tại Norfolk, Hoa Kỳ, để có thể nhanh chóng tăng viện khi cần thiết.

Các bộ chỉ huy lục quân và không quân cũng được cải cách và đặc biệt hơn hết là phối hợp với EU cải thiện hệ thống tiếp liệu cũng như vận chuyển quân đội nhanh hơn thay vì phải mất đến 2 tháng mới có giấy phép chuyên chở vũ khí đi ngang nước Đức, hỗ trợ cho sườn Đông.

Cuối cùng là lần đầu tiên NATO lập bộ tham mưu chiến tranh phức hợp, kết hợp mọi hình thức chiến tranh từ quy ước cho đến phi quy ước. Cụ thể, từ nay đến 2020, NATO đủ sức triển khai chậm nhất trong vòng 30 ngày một lực lượng hùng hậu gồm 30 tiểu đoàn cơ động, 30 phi đoàn chiến đấu, 30 chiến hạm theo công thức 4x30. Sườn phía Nam, vành đai Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lực lượng NATO hiện diện.

Với chi tiêu cho quân sự dự tính đến cuối năm nay lên đến 100 tỷ USD, các nước thành viên NATO không mấy mặn mà với những biện pháp quân sự đối đầu với Nga. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã không thể thuyết phục được Thủ tướng Đức Angela Merkel điều tàu chiến đến eo biển Kerch trong vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine hồi tháng 11-2018. Lý do là bà Merkel lo ngại việc điều tàu đến eo biển Kerch sẽ được coi là hành động khiêu chiến, có thể dấy lên một cuộc đụng độ không đáng có.

NATO cũng không đồng tình với một số chính sách khác của Mỹ. Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút toàn bộ binh lính Mỹ tại Syria hồi tháng 12-2018, các nước NATO đã đồng loạt lên tiếng phản đối quyết định này và đồng loạt từ chối lời kêu gọi của Mỹ trong việc đóng góp lực lượng tham gia tham chiến tại các nước.

Tin cùng chuyên mục