Chống chuyển giá, gỡ khó cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Sáng 30-10, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã tổ chức hội thảo “Đóng góp của các thành phần kinh tế trong tăng trưởng kinh tế của TPHCM”. Nhiều ý kiến trăn trở xoay quanh vấn đề: Làm sao để TPHCM phát triển đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng giá trị đóng góp của các thành phần kinh tế, đưa TP đi lên.

Sáng 30-10, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã tổ chức hội thảo “Đóng góp của các thành phần kinh tế trong tăng trưởng kinh tế của TPHCM”. Nhiều ý kiến trăn trở xoay quanh vấn đề: Làm sao để TPHCM phát triển đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng giá trị đóng góp của các thành phần kinh tế, đưa TP đi lên.

8 năm: chỉ 24 doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn

PGS-TS Nguyễn Tấn Phát (Đại học Quốc gia TPHCM) nhận định, nhiều năm trở lại đây kinh tế tư nhân đóng góp đáng kể cho GDP, thế nhưng nói đến hội nhập thương mại toàn cầu thì ông lo ngại về vai trò của khối này, vì khu vực kinh tế tư nhân hiện nay hầu hết là doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Cũng nhấn mạnh về vai trò của kinh tế tư nhân, một chuyên gia cho rằng, ở các nước phát triển, lúc nào kinh tế tư nhân cũng là nền tảng của nền kinh tế. Ở Việt Nam, những năm chuyển đổi từ bao cấp sang nền kinh tế thị trường, vai trò của kinh tế nhà nước là quan trọng, nhưng nay đã thay đổi, phải coi trọng phát triển DN vừa và nhỏ. Nhiều chuyên gia góp ý, chúng ta không nên quá tập trung đầu tư vào những DN lớn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc DN nhà nước để phát triển nhảy vọt, mà phải đầu tư vào nền tảng từ DN vừa và nhỏ để đi lên từ từ. Một số đại biểu khác cũng đồng quan điểm vì lo lắng về việc có nhiều DN FDI đầu tư vốn lớn vào Việt Nam, nhưng nhiều năm liền vẫn không có lãi vì chuyển giá…

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP cho rằng, sở dĩ DN vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn là vì năng lực yếu, vốn lại thiếu. “Lãi vay ở Việt Nam hiện nay quá cao so với các nước ASEAN. Lao động chất lượng chưa cao, lao động vào Việt Nam làm việc thì không bị ràng buộc phải biết tiếng Việt, trong khi Thái Lan quy định lao động muốn làm việc tại Thái phải nói được tiếng Thái. Đấy là thua thiệt!” - ông Huỳnh Văn Minh nói.

Nói về vốn cho DN, PGS-TS Hạ Thị Thiều Dao (Đại học Ngân hàng) đưa ra con số khiến cả hội nghị giật mình, đó là trong gần 10 năm (2007 - 2014) mà Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ chỉ bảo lãnh cho 24 DN, trong khi cả TPHCM có 150.000 DN. Nguyên nhân, theo khảo sát tại các tổ chức tín dụng thì đến 30% không biết đến quỹ này, 36% không thích đầu tư vào quỹ vì sinh lợi ít. Khảo sát tại gần 500 DN thì chỉ có 42% biết đến quỹ, nhưng chỉ 2,2% liên hệ với quỹ và chỉ 24 DN được bảo lãnh. Dù rất “khát” vốn nhưng nhiều DN không được bảo lãnh vay, nguyên nhân là do DN không đủ năng lực để được bảo lãnh, hành lang pháp lý không đảm bảo và quan trọng là hầu hết DN sau khi bị ngân hàng từ chối mới tìm đến quỹ bảo lãnh, gây ra rủi ro cho quỹ.

Hỗ trợ để chặn DN bán tháo

GS-TS Nguyễn Thị Cành (Trường Đại học Kinh tế Luật) đưa ra giải pháp để TPHCM phát triển trong thời gian tới là ngoài việc tìm giải pháp gỡ khó cho DN vừa và nhỏ, thì làm sao phải nâng cao hiệu quả đầu tư. PGS-TS Nguyễn Chí Hải, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Luật, lại kiến nghị TPHCM nên dành một tỷ lệ vốn đầu tư lớn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, vì theo ông hạ tầng kỹ thuật phải đi trước, phải thật tốt thì sẽ góp phần kích thích tăng trưởng, tạo ra dư địa tốt. Đối với các DN nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào dịch vụ công, vì mục tiêu xã hội, những loại mà tư nhân không đầu tư. Đối với DN FDI thì giải pháp là phải hạn chế chuyển giá - đây là vấn đề khó mà các nước đều gặp phải.

Trả lời về giải pháp chống chuyển giá, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP cho biết, thực trạng có nhiều DN FDI chuyển giá, liên tục báo cáo lỗ. Thời gian qua, Trung ương ban hành nhiều quy định chống giao dịch liên kết; ngành thuế cũng xây dựng nhiều giải pháp chống chuyển giá, thanh tra, kiểm tra… Việc đó đã có tác động đáng kể để DN tự điều chỉnh lại số liệu giảm lỗ hoặc chuyển sang lời. Mới đây, Tổng cục Thuế thành lập cơ quan chuyên thanh tra chuyển giá, sắp tới các cục thuế cũng sẽ thành lập phòng thanh tra chuyển giá để tập trung vào mảng này.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa, đề nghị, TP phải thống kê rõ có bao nhiêu DN sản xuất, vì theo thống kê, ngành công nghiệp TP chỉ chiếm 39% là không xứng đáng. Hiện nay, có rất nhiều DN sản xuất nằm trong khu dân cư. Và theo ông, nếu lĩnh vực công nghiệp được chú trọng hỗ trợ thay đổi công nghệ, đưa DN vào khu công nghiệp, người lao động được đào tạo, sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của TPHCM. Khi đó công nghiệp sẽ chủ động, có hàm lượng chất xám cao. Hiện nay, các DN nhỏ trong khu dân cư sử dụng công nghệ cách đây 20 năm, hút lao động từ nông thôn thì không thể phát triển được. Nếu không tập trung hỗ trợ công nghiệp, chúng ta sẽ đi lùi chứ không phải đi lên.

Ông Việt Anh dẫn chứng cụ thể, hiện ngành nhựa có nhiều DN Thái Lan qua đàm phán mua 100%, họ sẵn sàng mua với giá cộng luôn lãi của 20 năm sau, nhiều DN sợ cạnh tranh không nổi nên đồng ý bán. Mới đây đã có 4 DN lớn trong ngành nhựa bán DN của mình. Nếu chúng ta tham gia TPP, AFTA, mà không có sự hỗ trợ của nhà nước thì DN sẽ không tự tin ra sân chơi, họ buộc phải bán để thu lợi. Do vậy, việc hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong thời điểm hiện nay là vấn đề sống còn của nền kinh tế.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục