Tại hội thảo “Các giải pháp đôi bên cùng có lợi cho vấn đề chống chuyển giá” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM vừa tổ chức đã dấy lên nhiều vấn đề bức xúc trong công tác chống chuyển giá hiện nay. Dấu hiệu chuyển giá diễn ra ở nhiều doanh nghiệp: mua giá cao, bán giá thấp; lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng sản xuất... Cán bộ nhà nước thì kêu ca, quy định pháp luật có nhưng không khả thi; doanh nghiệp nói rằng giá mua – giá bán là tự do thị trường...
Quy định pháp luật: Có, nhưng không xử được!
Chống chuyển giá đã được nhà nước quy định thành văn bản pháp luật từ năm 1997, đến nay đã có Thông tư 66 của Bộ Tài chính điều chỉnh.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng Ban Cải cách Tổng cục Thuế, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu chống chuyển giá cho biết, trong năm 2011, ngành thuế đã tổ chức thanh tra tại 921 doanh nghiệp kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá đã xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, truy thu và phạt 1.669 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cũng vừa ban hành quyết định thành lập tổ quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá, chuyên trách việc thanh tra, xử lý các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, đồng thời áp dụng đa dạng các biện pháp chống chuyển giá.
Theo kế hoạch của ngành thuế, năm nay sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra khoảng 7.742 doanh nghiệp, trong đó chú trọng vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, điện lực, dầu khí, khoáng sản, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp kinh doanh lỗ, doanh nghiệp có số nợ thuế lớn, doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra…
Vấn đề đặt ra là các quy định về chống chuyển giá đã có, tại sao đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được vụ chuyển giá nào, trong khi trên thực tế đầy rẫy những dấu hiệu chuyển giá? Chẳng hạn như việc mua hương liệu của một doanh nghiệp nước ngọt của công ty mẹ ở nước ngoài với giá chiếm đến 70% giá thành sản phẩm, trong khi ở những doanh nghiệp kinh doanh cùng loại thì giá hương liệu chỉ chiếm không quá 30% giá thành sản phẩm.
Thế nhưng, hầu hết các vụ thanh tra, kiểm tra vừa qua chỉ dừng ở việc giảm lỗ, truy thu và phạt vi phạm về thuế, chứ chưa xử lý được chống chuyển giá.
Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM thừa nhận, dù Thông tư 66 có cho phép ngành thuế xác định giá thị trường để áp cho những giao dịch nhưng ngành thuế lại không có dữ liệu về giá để làm cơ sở pháp lý vững chắc, nếu cứ thu thập và tổng hợp giá trên thị trường thì sẽ có nguy cơ bị thua kiện, vì giá thị trường là... lá diêu bông! Có thể nói, quy định thì có nhưng không áp dụng được.
Cần dữ liệu thông tin...
Rõ ràng hành vi mua giá cao bán giá thấp giữa công ty con trong nước với các công ty mẹ ở nước ngoài (nơi có thuế suất thấp hơn Việt Nam) nhằm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài để né thuế là điều mà nhiều doanh nghiệp đang làm. Hành vi chuyển giá không chỉ xảy ra ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà đã lan tỏa ra cả những doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết trong nước.
Do vậy, yêu cầu cấp bách là phải xây dựng khung pháp lý hoàn thiện để có thể xử lý được hành vi chuyển giá này một cách hiệu quả nhất.
Vụ trưởng Nguyễn Quang Tiến cho biết, để chống chuyển giá sẽ xây dựng văn bản quy định về việc quản lý, định giá đối với trường hợp các dự án đầu tư góp vốn bằng tài sản, máy móc thiết bị và một số khoản chi phí đặc biệt khác như chi thuê quản lý nước ngoài, chi sử dụng vốn vay của tổ chức nước ngoài.
Hiện Tổng cục Thuế đã có hệ thống thông tin dữ liệu với nhiều thông tin đã được tin học hóa và bản giấy thu thập được từ hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp và các thông tin khác (thanh tra, kiểm tra, phân tích rủi ro, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước và cơ quan thuế nước ngoài).
Ngành thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện, củng cố hệ thống thông tin để có được một hệ thống đầy đủ thông tin đảm bảo cho quá trình quản lý thuế, phân tích rủi ro, thanh tra và xử lý vi phạm về giá chuyển nhượng.
Cụ thể, Tổng cục Thuế sẽ triển khai một số hoạt động như: tăng cường trao đổi, kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với cơ quan cấp phép đầu tư, hải quan, công an, ngân hàng và các cơ quan thuế nước ngoài; triển khai mua thông tin từ cơ quan, tổ chức quốc tế chuyên cung cấp thông tin... Khi có dữ liệu thông tin chính xác thì công tác chống chuyển giá sẽ dễ dàng hơn.
Hàn Ni