Một chỉ đạo của UBND TPHCM khi xem xét cấp phép đầu tư nước ngoài vào TPHCM là phải thẩm tra năng lực tài chính doanh nghiệp. UBND TP không đồng ý doanh nghiệp đầu tư vào dự án mà nguồn vốn là từ các khoản vay nội bộ của nhau ở các công ty liên kết. Mặc dù điều này bị các công ty tư vấn đầu tư nước ngoài phản đối, cho rằng, ở các tập đoàn việc vay vốn của công ty mẹ là bình thường.
Phản ánh này lập tức được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà giải thích cặn kẽ: Việc thẩm tra năng lực tài chính đối với doanh nghiệp là cần thiết để xác định doanh nghiệp có khả năng thực hiện dự án đầu tư hay không. Còn hoạt động vay vốn, theo quy định, chỉ có ngân hàng mới có chức năng cho vay vốn. Nếu doanh nghiệp vay vốn thường xuyên của công ty mẹ là không được phép. Còn trong hoạt động kinh doanh, công ty con gặp khó khăn đột xuất mượn tiền tạm thời của công ty mẹ thì được, nhưng mượn thường xuyên là không được. Quy định này là nhằm chống chuyển giá!
Đây là một hoạt động quản lý nhà nước tích cực, cần triển khai rộng rãi để chống chuyển giá - căn bệnh chưa có “thuốc trị” hiện nay. Trước “chiêu” mà các tập đoàn nước ngoài thường sử dụng khi đầu tư vào Việt Nam là luôn dùng vốn vay, trả lãi suất cao cho công ty mẹ ở nước ngoài, nhằm làm giảm lợi nhuận trong nước, thì quy định này đã chữa… đúng bệnh! Đã từng có một khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Vũng Tàu kinh doanh rầm rộ, nhìn vào ai cũng nghĩ là kinh doanh thành công, nhưng khách sạn này không nộp thuế vì không có lãi.
Một trong những chi phí lớn khiến khách sạn này không lãi là do toàn bộ vốn đầu tư xây dựng là vốn vay nên hoạt động kinh doanh đủ để… trả lãi vay! Không ít doanh nghiệp khác cũng có vốn đầu tư nước ngoài nhưng hoàn toàn là vốn vay, mà vay là từ công ty mẹ ở nước ngoài. Đương nhiên, hoạt động vay này lãi suất là theo thỏa thuận, các bên dại gì không thỏa thuận lãi suất cao để tăng chi phí, giảm lợi nhuận nhằm né thuế trong nước.
Quyết định tuy nhỏ, hoàn toàn mang tính hành chính nhưng đã mang lại kết quả lớn. Đó là “chữa đúng bệnh” chuyển giá mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện nay đang sử dụng.
HÀN NI