Chống cúm gia cầm, phòng phải chặt

Thực hiện chỉ thị của TPHCM về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia cầm và triển khai tháng hành động tiêu độc khử trùng từ 15-2 đến 15-3-2012, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí chỉ đạo các quận huyện cần phải quyết liệt giải quyết dứt điểm các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép. Hiện nay còn 125 điểm so với 163 điểm vào giữa tháng 2 ở gần 20 quận huyện mà Chi cục Thú y TP đã thống kê được.

Ngày 8-3 vừa qua, một trong 4 đoàn liên ngành TP đã làm việc với lãnh đạo các quận Bình Tân, Tân Phú, quận 8… về tình hình phòng chống dịch cúm gia cầm, sau đó đi khảo sát thực tế việc kinh doanh gia cầm trái phép trên nhiều tuyến đường. Hiện nay, việc vận chuyển gia cầm trái phép không chỉ trên xe buýt, xe khách mà phổ biến hơn là việc vận chuyển trên những xe gắn máy, rất khó kiểm soát.

Ông Cao Văn Phần, Phó Chủ tịch Thường trực quận Bình Tân, cho biết mỗi xe gắn máy nhận chở 20 con gà, bỏ túi 80.000 đồng. Một ngày chỉ cần vài chuyến là có thể thu về hàng trăm ngàn đồng, cao hơn vận chuyển thuốc lá lậu. Khi đoàn kiểm tra đến hẻm số 339 Hương lộ 3 - Bình Long, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, thấy bên lề đường là các bảng rao bán gia cầm dựng tạm bợ, xiêu vẹo, ghi giá bán vịt cỏ bị vứt lăn lóc. Vào hẻm vài chục mét là các lò than, lông gà vịt đầy đường đi. Sâu hơn một chút là các chuồng gà trống không. Nhưng bằng nghiệp vụ, anh em đảo qua khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa gần đó, phát hiện gia cầm bị giấu tại những ngôi mộ!

Theo quận Bình Tân, các điểm nóng về kinh doanh gia cầm trái phép thường là nơi giáp ranh giữa các phường hay giữa các quận như ngã tư 4 xã, đường Lê Văn Quới, Hương lộ 2 (phường Bình Trị Đông và Bình Trị Đông A); Hương lộ 3, Lê Trọng Tấn và Bình Long, cầu Đen, cầu Tân Kỳ - Tân Quý (phường Bình Hưng Hòa); Tỉnh lộ 10, Khu công nghiệp Pouyen, Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo)…

Tình trạng vận chuyển và kinh doanh gia cầm trái phép, nhất là gia cầm sống, không rõ nguồn gốc diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Gia cầm và thịt gia súc trái phép bị phát hiện ngay tại các cửa ngõ TP khá nhiều, đặc biệt là cửa ngõ Thủ Đức. Sau đợt dịch cúm gia cầm cuối năm 2003, TP quy định vận chuyển gia súc và gia cầm phải bằng xe chuyên dụng, việc kinh doanh phải có tủ bảo ôn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm các nơi thực hiện khá đầy đủ, TPHCM trở thành mô hình các địa phương khác đến tìm hiểu học tập. Nhưng thời gian qua, sau khi dịch cúm gia cầm êm ắng, sự quyết liệt trong phòng chống của người dân và các ngành trở nên lỏng lẻo, hầu như giao phó cho ngành thú y, trong khi việc quản lý, kiểm soát phải từ địa phương nên xảy ra tình trạng nuôi gia cầm trở lại ở nhiều quận, khu vực không được nuôi gia cầm của TP. Điều quan ngại là sự chống đối người thi hành công vụ của những người vi phạm tỏ ra ngày càng liều lĩnh hơn. Điển hình vào ngày 5-3, người bán gia cầm trái phép ở cầu Trường Đai phường 13 quận Gò Vấp hành hung người thi hành công vụ, dùng cây đập móp thùng xe của đoàn kiểm tra. Công an phải tạm giữ 2 đối tượng.

Ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, Trưởng đoàn 2 cho biết kinh nghiệm một số địa phương. Chợ gia cầm có trước năm 2003 trên đường Phú Hữu, quận 5 trước đây vẫn lén lút bán gia cầm trái phép nhưng khi địa phương bố trí anh em dân phòng hiện diện tại chỗ, việc kinh doanh cũng biến mất. Đây là điều các nơi cần học tập, nhất là vào thời điểm dịch cúm gia cầm đang bộc phát và lan ra 13 tỉnh thành. Nhưng về lâu dài, sự kiên quyết của chính quyền địa phương và người dân có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa việc buôn bán trái phép này.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục