Chống lợi ích nhóm can thiệp vào chính trị

Chống lợi ích nhóm can thiệp vào chính trị

 

.Khi phát biểu trước Quốc hội, ông Hà Minh Huệ, ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đã cho rằng, những lỗ hổng lớn trong quản lý đã để các nhóm lợi ích thao túng trong hoạt động kinh tế, tài chính, ngân hàng với những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng kéo dài như vụ Vinashin, Vinalines, nợ xấu ở mức báo động, cách quản lý vàng miếng SJC mang hình thức độc quyền gây nhiều tranh cãi… PV Báo SGGP cùng trao đổi với ông Hà Minh Huệ xung quanh vấn đề mà xã hội đang lo lắng hiện nay: lợi ích nhóm.

Ông Hà Minh Huệ

Ông Hà Minh Huệ

° Phóng viên: Lợi ích nhóm được nhắc đến nhiều trong thời gian qua? Vấn đề này nên được đặt ra thế nào trong phiên chất vấn này, nhất là khi Thủ tướng trả lời chất vấn?

° Ông HÀ MINH HUỆ: Trong xã hội hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chúng ta có những kẽ hở pháp luật, hoặc pháp luật chưa được thực thi nghiêm thì người ta lách luật. Tại sao có những nhóm người tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ giàu lên nhanh chóng như vậy với tài sản lên tới hàng ngàn tỷ đồng? Tôi cho rằng ngoài năng lực, tiềm năngï, họ đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để làm giàu. Chính vì vậy mới sinh ra việc tích tụ lợi ích nhóm mà ĐBQH vừa qua đã lên tiếng mạnh mẽ. Có thể ban đầu, động cơ của họ trong sáng, nhưng quá trình thực hiện, vì pháp luật có nhiều kẽ hở nên người ta lại “xấu đi”. Vấn đề này nên được đặt ra.

° Chúng ta đang tiến hành sửa Hiến pháp, trong đó có bổ sung thiết chế hiến định độc lập là Kiểm toán Nhà nước. Đây là cơ quan do QH thành lập, có chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia. Theo ông, liệu cơ quan này có giúp triệt tiêu được tham nhũng cũng như lợi ích nhóm?

° Thế giới sử dụng kiểm toán từ lâu rồi. Việt Nam đã có, nhưng phát huy vai trò của kiểm toán đến đâu cũng cần thời gian. Nhưng tôi nhắc lại, ngay cả thế giới phát triển thì dù có kiểm toán nhưng họ vẫn lách luật, lợi dụng kẽ hở pháp luật để có lợi ích nhóm. Ở nước ta, lợi ích nhóm vừa là hình thức tinh vi trong một xã hội mới đang phát triển, đồng thời lợi ích nhóm cũng đang phát triển ở hình thức hết sức thô thiển, chúng ta có thể ngăn chặn.

Lợi ích nhóm mà tinh vi thì không dễ phát hiện. Ví như tham nhũng chẳng hạn, ở đâu chúng ta cũng nói đến tham nhũng, nhưng để tìm ra chứng cứ cụ thể, gốc gác không phải dễ. Bởi vậy xã hội phải đẩy mạnh tuyên truyền để chống lợi ích nhóm can thiệp vào chính trị. Ở các nước tư bản, người ta vẫn nói chính trị gia quan hệ với doanh nghiệp. Đó là việc lợi dụng danh nghĩa quan hệ để can thiệp chính sách, đưa ra các chính sách có lợi ích nhóm. Nhiều lúc chính sách đưa ra có ảnh hưởng bởi điều đó, cho nên ở ta các chính trị gia cần tỉnh táo hơn.
 
° Lợi ích nhóm có thể nói là anh em sinh đôi với tham nhũng. Vậy để ngăn chặn, theo ông mấu chốt nhất là gì, dù chúng ta đã bàn nhiều?

° Tham nhũng đã ăn sâu vào các hoạt động trong xã hội hiện nay. Đã có nhiều giải pháp để xóa bỏ tham nhũng. Trong Đảng cũng nói mạnh về vấn đề này, QH cũng rất kiên quyết. ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) còn đòi các thành viên Chính phủ, các ĐBQH phải hứa không tham nhũng như là một giải pháp chống tham nhũng.
 
Lợi ích nhóm cũng như tham nhũng là hiện tượng xã hội có nguồn gốc hết sức sâu xa. Nếu đổ lỗi cho sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của xã hội trong thời buổi kinh tế khó khăn thì rất vô cùng. Theo tôi, Đảng ta cần quan tâm mạnh mẽ hơn trong việc phòng, chống tham nhũng cũng như lợi ích nhóm. Trước hết phải “chống” ở các đảng viên, những người giữ cương vị lãnh đạo các cấp. Hình thức tham nhũng rất tinh vi. Vì thế, việc giáo dục ý thức con người phải được đề cao. Ngoài ra, phải kiên trì thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật. Pháp luật phải chặt chẽ hơn, tuân thủ phải đòi hỏi nghiêm túc hơn.

Đặc biệt, khi có hành vi tham nhũng phải bị xử lý rất nghiêm. Kinh nghiệm các nước cho thấy, họ rất quyết liệt trong xử lý tham nhũng, vì có xử nghiêm mới răn đe được. Về phần QH cần tăng cường vai trò giám sát việc thực hiện, điều hành của Chính phủ, phải xem luật đưa ra đã được thực hiện nghiêm chưa.
 
° Để ngăn chặn lợi ích nhóm, vai trò của báo chí thể hiện ra sao?

° Báo chí với tư cách là cơ quan thông tin, phản biện xã hội, phản ánh dư luận của nhân dân có vai trò rất lớn trong việc phanh phui những mối quan hệ của các cá nhân có dấu hiệu lợi ích nhóm tác động đến hoạt động chung của xã hội.

“Cần nâng cao hơn nữa chất lượng năng lực xây dựng và ban hành quyết định của cấp ra chính sách để các quyết định chính sách, kể cả pháp luật đưa ra luôn sát với thực tế, có tính khả thi cao hơn, phục vụ thiết thực hơn lợi ích của nhân dân. Tại sao có những quyết định vừa đưa ra đã lạc hậu, không nhận được sự đồng thuận của công luận đã phải thay đổi? Những giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông như thay đổi giờ học, giờ làm chưa có điều tra, nghiên cứu cụ thể, hướng đề xuất đánh thuế này, thuế nọ, những cuộc thí điểm tốn kém là những ví dụ. Trong lập pháp cũng vậy, luật mới thông qua đã phải sửa đổi, chẳng thế mà trong 9 luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này có tới 7 dự luật sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều. Phải chăng đó là sự chưa đúng tầm của cấp ra quyết định” 

Ông Hà Minh Huệ 

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục