(SGGPO).- Đến chiều 18-10, người dân các tỉnh Bắc Trung bộ đã kiệt sức vì liên tiếp chống chọi với 2 trận lũ lịch sử. Trong khi đó, công tác ứng cứu, cứu trợ đồng bào miền Trung tiếp tục được nhiều bộ, ngành, các địa phương khẩn trương triển khai.
Nỗ lực hỗ trợ nhân dân vùng lũ
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương: Từ ngày 13-10 đến ngày 18-10 tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to và rất to; tập trung tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình với lượng mưa từ 700-900mm; trong đó lượng mưa một ngày lớn nhất tại Chu Lễ, Hà Tĩnh là 548mm (ngày 16-10).
Theo thống kê ban đầu, đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 14 đến 18-10 đã làm 30 người chết (Nghệ An: 12 người; Hà Tĩnh: 13 người; Quảng Bình: 5 người). Riêng Thừa Thiên - Huế có 1 người chết và 2 người mất tích do lốc và bất cẩn khi đi qua sông. Tại Quảng Bình có 1 người mất tích đang được xác minh. Đến nay có 152.203 nhà bị ngập (Nghệ An: 15.166 nhà; Hà Tĩnh: 83.517 nhà; Quảng Bình: 53.520 nhà).
Chiều 18-10, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 187 xã với 83.517 hộ bị ngập, trong đó 105 xã bị cô lập hoàn toàn. Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn TP Hà Tĩnh, huyện Can Lộc, Nghi Xuân… vẫn đang bị ngập sâu trong nước, giao thông tê liệt hoàn toàn. Các tuyến đường tỉnh lộ chính, đường giao thông nông thôn vẫn còn bị ngập sâu và chia cắt.
Trao đổi với PV Báo SGGP lúc 19 giờ 30 phút, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đã hỗ trợ khẩn cấp về cho tất cả các huyện 150 tấn mì tôm và Sở Công thương 45 tấn mì tôm để tập trung cứu đói cho nhân dân.
Trong ngày Bộ Công an đã điều vào Hà Tĩnh gần 600 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn E22, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động và 11 ca nô có mặt tại các vùng trọng điểm bị ngập lụt nặng nhất ở huyện Can Lộc, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ để trực tiếp giúp cứu nạn, cứu trợ, cứu hộ nhân dân. Ngoài ra Bộ Quốc phòng đã điều 1 máy bay Mi17 từ sân bay Gia Lâm vào Vinh để phục vụ bay cứu trợ các vùng khó khăn của Hà Tĩnh.
Tính đến 18-10, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động gần 50 xuồng cao tốc và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng lực lượng dân quân tự vệ trực tiếp ứng cứu, sơ tán an toàn cho gần 20.000 hộ dân với gần 70.000 nhân khẩu của các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Lộc Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn...
Tại Quảng Bình vẫn còn hàng chục ngàn nhà dân của các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Minh Hóa ngập sâu trong nước lũ. Đặc biệt nghiêm trọng là hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, hơn 300.000 dân bị lũ vây khốn, nước có dấu hiệu rút nhưng rút rất chậm. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các huyện tiếp tục di dời dân ra khỏi vùng lũ lụt, chuẩn bị các phương án phòng chống siêu bão có khả năng ảnh hưởng đến miền Trung, trong đó có Quảng Bình.
Ghi nhận của PV Báo SGGP tại rốn lũ Quảng Ninh cho thấy người dân đang rất thiếu lương thực, nước uống do hai trận lũ đã cuốn sạch mọi thứ.
Điện thăm hỏi của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh Ngày 18-10, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã gửi điện thăm hỏi, động viên và chỉ đạo đối phó với thiên tai, lũ, lụt trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế. Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu toàn văn bức điện trên. |
Sẵn sàng đối phó bão Megi
Chiều 18-10, tại Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa về tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ các tỉnh miền Trung và công tác đối phó với bão Megi.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Các địa phương cần tiếp tục nỗ lực hỗ trợ nhân dân vùng lũ, thăm hỏi các gia đình người bị nạn, đồng thời chủ động đối phó với bão Megi. Bởi đây là cơn bão mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, bão di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, chưa thể xác định được khu vực đổ bộ trực tiếp nên các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa phải hết sức cảnh giác để triển khai ứng phó phù hợp.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện khẩn số 1870/CĐ-TTg gửi các bộ, ngành và các địa phương từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ; đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả.
Song song với công tác cứu nạn, cứu trợ, các ngành, các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp để đối phó với siêu bão Megi. Chiều ngày 18-10, TP Đà Nẵng đã chuẩn bị phương án sẵn sàng di dời 31.000 hộ dân ven biển, vùng trũng thấp, lũ quét đến nơi an toàn. UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng chuẩn bị dự trữ 500 tấn gạo và lương thực sẵn sàng cung ứng khi có bão, lũ xảy ra. BCH Quân sự thành phố sẵn sàng điều 2 xe tăng thiết giáp để phục vụ công tác khi có yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển và báo cáo cập nhật. Chuẩn bị dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lũ lớn xảy ra. Đặc biệt, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện trong quá trình vận hành xả lũ phải phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCLB tỉnh và các UBND địa phương ở hạ lưu để vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa giảm thiểu ngập lụt vùng hạ du.
Đề phòng siêu bão Megi đang tiến thẳng vào đất liền, Thừa Thiên - Huế đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền; dự trữ tại các huyện, thị xã và TP Huế 246,5 tấn gạo, 154,2 tấn mì ăn liền, 118.470 lít xăng dầu, 3,5 tấn muối. Chuẩn bị phương án di dời 24.000 hộ dân ven biển với khoảng 100.000 nhân khẩu.
*****
Ngày 18-10, ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, trên địa bàn huyện mưa to, lũ lớn đã làm 8 đập thuỷ lợi tại các xã bị vỡ, mỗi đập chứa khoảng 1 triệu m³ nước. Cụ thể, đập Khe Tắt (xã Liên Trạch), Cây Khế (xã Cự Nẫm), Khe Cầy (xã Vạn Trạch), và 4 đập khác tại các xã Tây Trạch, Lâm Trạch, Phú Trạch. Trước tình hình trên UBND huyện Bố Trạch đã tổ chức di dời hơn 10.000 dân đến nơi an toàn nên đã không có thiệt hại về người.
Ông Võ Khắc Hoà, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho biết, lũ tại đây không có dấu hiệu xuống mà vẫn đang tiếp tục ngâm 145.000 hộ dân trong lũ. Theo dự đoán thì phải mất một tuần nữa nước ở đây mới rút.
Tại huyện Quảng Ninh, hơn 100.000 hộ dân cũng bị lũ “ngâm” chặt. Ông Nguyễn Viết Anh - Chủ tịch huyện cho biết, tình trạng này rất nguy hiểm vì các đầu nguồn và hạ du đều đã “no nước” nên nước không thể thoát đi đâu được, hơn nữa theo dự báo có thể siêu bão Megi có thể ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung.
Chiều cùng ngày, bộ đội biên phòng Quảng Bình đã cứu sống 9 ngư dân trôi dạt khi tàu QB 93089BTS bị sóng đánh chìm trên biển Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch.
Hiện Quốc lộ 1A còn ngập 4 điểm kéo dài từ Gia Ninh (Quảng Ninh) đến Hồng Thủy (Lệ Thuỷ) từ 0,5-1m. Quốc lộ 15, đoạn đường từ Tân Ấp đến Đồng Lê bị tắc 2 vị trí; ngập từ 1 đến 2m. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thượng Hóa và Trung Hóa ngập 1,4m.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh thì toàn tỉnh có 90 xã bị ngập lụt hoàn toàn, và đã sơ tán đến nơi an toàn được 10.626 hộ (47.997 người) thuộc các huyện Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch; huy động 30 xuồng, ca nô, hàng chục xe các loại, 300 cán bộ, chiến sĩ, 200 đoàn viên thanh niên trực tiếp tới vùng ngập để cứu hộ, di dời dân.
- Hà Tĩnh: Xả nước, không để xảy ra vỡ đập hồ Kẻ Gỗ
| |
Đến sáng 18-10, hồ Kẻ Gỗ - hồ chứa nước lớn nhất Hà Tĩnh có mực nước lên đến 31,8m, lượng nước trong hồ khoảng 340 triệu m³. Nếu đập tràn của hồ bị vỡ thì thành phố Hà Tĩnh và hai huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà sẽ bị cuốn trôi. Vì vậy, từ đêm 16 đến sáng 18-10, Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Kẻ Gỗ đã tiến hành xả nước với lưu lượng từ 300 đến 600 m³/giây, đồng thời xử lý các hư hỏng trên thân đập. Việc xả nước tuy gây ngập một số xã ở huyện Cẩm Xuyên nhưng là việc không thể dừng.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp đến khu vực hồ chỉ đạo việc xả nước một cách hợp lý vừa để bảo vệ hồ, vừa không gây ngập sâu đối với các xã bị ảnh hưởng. Do mưa to vẫn tiếp diễn, nước từ thượng nguồn đổ về hồ còn nhiều, Hà Tĩnh đang thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ hồ an toàn...
Tính đến chiều nay, lượng mưa trên địa bàn bàn tỉnh Hà Tĩnh đã giảm, nước lũ đã bắt đầu có dấu hiệu rút nhưng rất chậm. Nhiều huyện vẫn đang bị cô lập, hàng ngàn hộ dân vẫn đang bị ngập nước. Tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn thành phố Hà Tĩnh và huyện Can Lộc vẫn đang bị ngập sâu từ 1-1,5m khiến giao thông tê liệt hoàn toàn.
Để chủ động đối phó với mưa lũ, các địa phương khẩn trương triển khai công tác cứu hộ tại các tỉnh. Hà Tĩnh đã sơ tán 17.000 hộ (68.000 người) thuộc các huyện Hương Khê, Vụ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Lộc Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn...; huy động 40 xuồng cao tốc và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ được huy động ứng cứu, cứu trợ, sơ tán dân ra khỏi vùng ngập sâu đến nơi an toàn; chuyên chở 50 tấn mì tôm, 50.000 lít nước uống đóng chai cứu trợ cho nhân dân vùng Hương Khê, Vụ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Tỉnh cũng đã trích ngân sách 15 tỷ đồng để các huyện mua lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cứu trợ nhân dân vùng lũ.
* Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Lượng mưa từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã giảm, mưa lớn chuyển dịch về phía Nghệ An và Nam Thanh Hóa. Mực nước lúc 9 giờ ngày 18 tháng 10 trên một số sông như sau: Sông Cả tại Nam Đàn (Nghệ An): 7,21m, trên BĐ2: 0,31m; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ: 14,75m, trên BĐ3: 1,25m; tại Hòa Duyệt: 11,94m (lúc 7 giờ ngày 18), cao hơn BĐ3: 1,44m; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm: 10,0m, ở mức BĐ1; Sông La tại Linh Cảm: 7,05m, trên BĐ3: 0,55m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy (Quảng Bình): 2,49m (lúc 7 giờ ngày18), trên BĐ2: 0,29m;
Dự báo, lũ trên các sông ở Nghệ An tiếp tục lên, hạ lưu sông La xuống chậm và còn duy trì ở mức cao; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và các sông ở Quảng Bình tiếp tục xuống.
Chiều tối nay, 18-10, mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 7,5m, dưới BĐ3: 0,4m, sau đó lên chậm và có khả năng đạt đỉnh vào sáng ngày mai (19-10) ở mức: 7,65m, dưới BĐ3: 0,25m; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm xuống dưới mức BĐ1; Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt xuống mức 11,0m, trên BĐ3: 0,5m; Sông La tại Linh Cảm xuống mức 6,5m, ở mức BĐ3; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy (Quảng Bình) xuống mức 2,0m, dưới BĐ2: 0,2m.
Tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng ở các lưu vực sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tỉnh Nghệ An.
Nhóm PV
Thông tin liên quan |
>> Lũ dập Bắc Trung bộ: Ra sức cứu dân >> Siêu bão Megi đã đổ bộ vào Philippines |