Chống ngập bằng các giải pháp tổng thể, khoa học

Tuần qua, trong kỳ họp giữa năm, HĐND TPHCM đã phân tích, thảo luận rất cặn kẽ để tìm giải pháp hiệu quả giải quyết tình trạng ngập nước mùa mưa. Đây là vấn đề thiết thân với cuộc sống người dân, nên nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến về việc nhanh chóng thực thi các giải pháp chống ngập.   

Thực hiện ngay giải pháp đột phá

 Nạn ngập úng tại TPHCM, bên cạnh những nguyên nhân mang tính căn bản như hệ thống thoát nước bị bồi lấp, không có sự kết nối đồng bộ, cốt nền bị lún… còn có nguyên nhân cục bộ như miệng cống bị rác cản trở, các công trình chống ngập chưa được vận hành đầy đủ…

Như vậy, trong khi chưa hoàn thành các dự án chống ngập có tính quy mô và đồng bộ trên diện rộng, nếu giải quyết được từng nguyên nhân cục bộ thì cũng có thể phần nào hạn chế được tình trạng ngập.

Trước hết, cần khẩn trương nạo vét cống rãnh, suối, kênh rạch, ao hồ có khả năng thoát nước và trữ nước trên phạm vi toàn thành phố. Do bị rác, đất cát và các loại chất thải bồi lắng, nhiều chỗ lẽ ra có thể thoát nước nhanh được thì đã bị thu hẹp dòng chảy, dẫn đến không tiêu nước khi mưa lớn. Hoặc có nơi được nạo vét nhưng không thực hiện đồng bộ, dẫn đến ngập cục bộ.

Chống ngập bằng các giải pháp tổng thể, khoa học ảnh 1 Công nhân vớt rác, thông dòng kênh. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Đối với những nơi có khả năng tạm giữ nước, phải nạo vét, tôn tạo bờ bao để tăng khả năng chứa được, đồng thời tạo sự thông thoáng cho các dòng chảy đổ nước về đó khi có mưa lớn.

Cần tích cực vệ sinh các miệng cống, như lấy hết rác, xử lý hết các vật thể có thể làm nghẽn việc thoát nước, nạo vét hố ga, thay mới những miệng cống bị hư hỏng làm hạn chế khả năng thoát nước... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, gắn chặt với cuộc vận động không xả rác ra đường và xuống kênh rạch. Tổ chức việc xử phạt hành vi xả rác, bước đầu thực hiện ở những địa bàn trọng điểm, tiến tới thực hiện đại trà trên phạm vi toàn thành. Tiến hành tổng rà soát sự kết nối của hệ thống cống thoát nước và các công trình chống ngập của thành phố.

Các công trình này chỉ thực sự phát huy tác dụng khi có sự kết nối và vận hành đồng bộ, nếu không sẽ tạo ra tình trạng ngập cục bộ. Cần có một bản đồ về hệ thống cống và các công trình chống ngập; trong đó không chỉ nêu rõ từng công trình ở từng vị trí mà còn phải xác định sự kết nối của các công trình đó như thế nào, khả năng vận hành tốt ở điều kiện ra sao. Chỗ nào còn nghẽn, vì sao nghẽn, cần được giải quyết triệt để. Cần xử lý ngay các công trình lấn chiếm hoặc gây ảnh hưởng đến việc thoát nước, nhất là các công trình mới xây dựng.

Từng địa phương sớm phát hiện và kiên quyết khắc phục các công trình lấn chiếm cống thoát nước, ngăn dòng chảy. Công tác này phải gắn với việc kiểm tra và xử lý sai phạm trong xây dựng và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Trong công tác chống ngập cần có những giải pháp mang tính đột phá và phải được thực hiện nhanh chóng, quyết liệt. Tránh tình trạng thử nghiệm kéo dài hoặc triển khai các dự án quá chậm.

TRỊNH MINH GIANG, quận Thủ Đức, TPHCM

Phân chia vùng thoát nước hợp lý

Để chống ngập hiệu quả, trước mắt cần thực hiện khảo sát, xác định các điểm tắc gây ngập và có giải pháp xử lý khai kênh, cống hay đặt máy bơm. Căn cứ cốt nền và cốt ngập để phân chia vùng thoát nước vào đường sông, kênh chính, tức là có sự phân lũ tiêu thoát nước ngập qua nhiều ngả phù hợp, nhưng không miễn cưỡng áp đặt nước sẽ chảy vào theo những công trình đã được đầu tư xây dựng có phần duy ý chí.

Không có ngả thoát, không đủ chỗ chứa thì nước đọng lại và gây ngập trên đường, nên phải tạo đường cho nước chảy thông thoáng và có nhiều chỗ chứa nước đủ lớn để điều hòa lượng nước sau những cơn mưa lớn hay đợt triều cao tràn bờ bất khả kháng. Đó là hệ thống các hồ điều hòa lớn nhỏ được liên thông nhau và với hệ thống cống thoát trên mọi tuyến đường.

Do quỹ đất TPHCM hạn hẹp, nên cần sử dụng phía dưới các vỉa hè làm đường cống ngầm mở rộng kiên cố để thoát nước và đấu nối vào hệ thống hồ điều hòa, không để nơi nào bị tắc. Khi đường có hệ thống thoát nước không đáp ứng tốt, mặt lộ bị đọng nước, dễ dẫn đến bị ngập nước kéo dài thì với lượng xe tải trọng lớn lưu thông qua lại thường xuyên cho dù đường có chất lượng tốt thế nào cũng sẽ nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, tốn kém kinh phí sửa chữa khắc phục gấp nhiều lần hơn so với làm đường cống thoát, gây nhiều tổn thất khác về kinh tế - xã hội và cuộc sống nhân dân, nên điều quan trọng là phải không để mặt đường bị đọng hay ngập nước.

NGUYỄN VĂN THƯỚC, Liên hiệp Hội KH-KT Cà Mau

Tin cùng chuyên mục