“Cuộc sống đảo lộn”, đó là câu nói cửa miệng của hàng vạn cư dân TPHCM trong mấy ngày qua phải chống chọi với cơn triều cường dữ dội. Đây không là chuyện mới và là chuyện chưa có hồi kết thúc, đặc biệt vào những dịp cuối năm với kinh nghiệm dân gian khi nói về con nước triều cường tháng 10 hay tháng Chạp (Âm lịch).
Ngập vẫn hoàn ngập
Nhớ lại cách đây khoảng 2 năm, con đường Phạm Thế Hiển, đoạn thuộc địa bàn phường 7 quận 8, sau khi tráng nhựa tươm tất thì chẳng bao lâu sau, tháng nào cũng vậy, nhất là những tháng cuối năm, người dân phải lội bì bõm trong dòng nước đen ngòm đến thắt lưng.
Gặp đại biểu Quốc hội rồi HĐND, dân kêu riết, cuối cùng Sở Giao thông Vận tải (GTVT) ra tay nâng đường. Đường cao hơn nhà, dân ngán ngẩm nhưng cũng vui lòng vì sẽ không phải lội nước. Ấy vậy mà bây giờ cảnh cũ lại tái diễn, đường nâng rồi vẫn cứ ngập và bà con nói vui là “tái ngập”.
Công bằng mà nói, lỗi này không thuộc ngành GTVT bởi lẽ ai cũng hiểu nguyên nhân sâu xa là do quy hoạch yếu kém, xây dựng tràn lan mà không có hồ điều tiết nước. Nguyên lý “nước chảy chỗ trũng” hay “bình thông nhau” là điều không thể cưỡng lại nếu chỉ chống ngập theo kiểu… nâng đường. Bởi vậy mới xảy ra việc bà con ở đường Ưu Long (phường 11, quận 8) phản ứng chuyện phường cho nâng đường cao hơn nhà dân đến 0,5m, còn phường thì trả lời cao như vậy thì mới chống được triều cường (?). Người dân ở Bình Quới hay quận 8 vẫn phải tất tả với bao cát, viên gạch, xi măng… để làm “đê bao mi ni” ngay lối ra vào nhà mình.
Về diện rộng, người ta băn khoăn vì sao mỗi năm TP chi hàng chục tỷ đồng cho việc gia cố bờ bao nhưng bờ vẫn cứ bể. Nguyên nhân là do việc gia cố còn mang tính chắp vá, như quận Thủ Đức còn đến 20km bờ bao chưa được xây dựng kiên cố, là một bằng chứng. Nhiều công trình nhằm kiểm soát nước triều đến nay vẫn còn ì ạch cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tái ngập”.
Chống ngập: Quyết liệt như chống cháy
Khi con nước rút xuống, nhiều gia đình mất ngủ để lo dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Thiệt hại do triều cường gây ra là bao nhiêu, đây là con số chưa được thống kê nhưng chắc chắn không nhỏ và không ai bồi thường thiệt hại này cho người dân. “Tự cứu mình” đang là xu hướng hiện nay của người dân.
Theo một nghiên cứu của Đại học Quốc gia TPHCM về ảnh hưởng của quy hoạch không gian, dân số đến vấn đề ngập nước, gần 50% ý kiến người dân tại 4 địa bàn dân cư đều cho rằng sẽ “tự cứu mình” bằng cách nâng nền nhà cho cao hơn, khoảng 30% cho biết “cam chịu với hoàn cảnh”.
Không ai không bức xúc trước những thiệt hại do triều cường gây ra mà người dân phải trực tiếp gánh chịu. Chống ngập như thế nào hiệu quả là bài toán đang đặt ra cho lãnh đạo TP. TP đã có Trung tâm Chống ngập nhưng tiếc rằng với cơ chế chồng chéo, cắt khúc, trung tâm này cũng “bó tay”. May mắn, với chuyến thị sát vào sáng 8-11 của lãnh đạo TP đến các địa bàn bị ảnh hưởng triều cường, đã mở ra nhiều triển vọng cho công tác chống ngập. Theo đó, việc xây dựng 5 trạm kiểm soát triều tại Thủ Đức, làm bờ kè dọc đường Tầm Vu, nâng đường Bình Quới… là những giải pháp trước mắt. Giao công tác chống ngập nội - ngoại thành về cho Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước cũng là quyết định mạnh dạn nhằm xây dựng cơ chế “nhạc trưởng” mà bấy lâu nay thiếu vắng.
Kết hợp nhiều giải pháp, đây là hướng đi cần thiết để chống ngập có hiệu quả. Nâng đường chỉ là giải pháp tạm thời; nạo vét kênh rạch, làm thêm ao hồ là giải pháp hỗ trợ; đê bao trong hay đê bao ngoài là giải pháp tốn kém nhưng lâu dài. Không chỉ có nước triều, chống ngập còn phải tính đến vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Nhìn vấn đề ở nhiều góc cạnh, nhiều giải pháp cùng với sự quyết liệt, khẩn trương, đó là trách nhiệm đặt ra cho những người đi chống ngập.
CÁT TƯỜNG