Chống ngập bất cập do quy hoạch ​

 Thực trạng chống ngập với không ít bất cập được nhiều chuyên gia đánh giá là do TPHCM thiếu quy hoạch chống ngập tổng thể.
Quy hoạch tổng thể chống ngập ở TPHCM chưa có, là nguyên nhân quan trọng khiến việc chống ngập ở TPHCM chưa đạt hiệu quả
Quy hoạch tổng thể chống ngập ở TPHCM chưa có, là nguyên nhân quan trọng khiến việc chống ngập ở TPHCM chưa đạt hiệu quả
Đầu năm 2017, đường Kinh Dương Vương (TPHCM) hoàn thành nâng cao mặt đường thì 44 tuyến hẻm nối vào đường này rơi vào cảnh ngập nặng, khiến sinh hoạt của người dân bị xáo trộn. Cơ quan chức năng phải lên kế hoạch nâng các hẻm này. Thực trạng chống ngập với nhiều bất cập như trên được nhiều chuyên gia đánh giá là do TPHCM thiếu quy hoạch chống ngập tổng thể.
Chống ngập cục bộ, phát sinh nhiều hệ lụy 
Trước đó, khi đường Kinh Dương Vương, đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc được nâng cao, có nơi cao hơn 2m so với mặt đường hiện hữu. Điều này đã ảnh hưởng đến khoảng 500 hộ dân sinh sống hai bên đường và họ phải nâng nền nhà lên theo. Quận Bình Tân đang đề nghị TPHCM xem xét hỗ trợ cho 330 hộ dân (do phải nâng nền nhà từ 0,5m trở lên) với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Trong khi việc xét duyệt mức hỗ trợ trên còn đang được cân nhắc thì cư dân trong các hẻm xương cá nối vào đường Kinh Dương Vương cũng khốn khổ vì tình trạng ngập úng. Nguyên do, khi đường Kinh Dương Vương được nâng cao thì nước từ đường lớn đổ dồn vào đường nhỏ, vào hẻm và dốc vào nhà dân. Hàng ngàn hộ dân ở 44 con hẻm đã bị ảnh hưởng. Vậy là quận Bình Tân phải xem xét phương án tiếp tục nâng hẻm (ngập nặng trước) để giảm thiểu tác động đến người dân.
Cạnh đó, một đơn vị thuộc Sở GTVT quản lý khai thác đại lộ Võ Văn Kiệt cũng đang cấp tập nâng cao một đoạn dài của đường Võ Văn Kiệt, đoạn qua quận Bình Tân, để chống ngập. Đáng lưu ý, đại lộ Võ Văn Kiệt vốn thuộc dự án Đại lộ Đông Tây, là dự án quy mô, hiện đại của TPHCM hoàn thành, đưa vào khai thác cách đây vài năm… “Hàng năm TPHCM đã chi một nguồn vốn khổng lồ cho công tác chống ngập. Thế nhưng, nhiều nơi dù được đầu tư hệ thống cống mới song ngập úng nghiêm trọng vẫn xảy ra. Điều này cho thấy có nhiều khả năng lòng cống, hầm ga, cửa xả bị bít hoặc việc kết nối có vấn đề. Bởi lẽ nhiều nơi đã được đầu tư, lắp đặt cống to nhưng việc đấu nối giữa hệ thống các đường ống, kết nối dẫn nước đổ ra kênh, rạch không đảm bảo nên nước không thoát được và ngập úng vẫn cứ tái diễn”, một chuyên gia ở TPHCM nhận xét.
Thiếu quy hoạch, chống ngập chắp vá
Theo vị này, các giải pháp chống ngập được thực hiện lâu nay ở TPHCM chưa đạt nhiều hiệu quả, ngoài nguyên nhân chủ quan, kỹ thuật không đảm bảo như đã nêu thì nguyên nhân chính yếu, cốt lõi là do chưa có quy hoạch hệ thống thoát nước tốt và bài bản. “Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt quy hoạch thoát nước cho TPHCM nhưng khu vực duyệt quy hoạch chỉ giới hạn trong vùng trung tâm với khoảng 700ha. Năm vùng còn lại của TPHCM thì chưa có quy hoạch thoát nước. Vì vậy, lâu nay TPHCM đã tốn nhiều tiền của, tập trung sức lực chống ngập nhưng hiệu quả vẫn không đạt được như mong muốn”, vị chuyên gia này nói.
Như vậy, ở các khu vực vùng ven, ngoại thành của TPHCM do chưa có quy hoạch và việc thực hiện chống ngập được thực hiện theo quy hoạch giao thông, đô thị, không theo quy hoạch chuyên ngành thoát nước. Điều này có thể hiểu nôm na là nơi nào đường to thì lắp đặt cống to, đường nhỏ thì lắp đặt cống nhỏ. Ngoài ra, do thiếu quy hoạch tổng thể nên nhiều nơi chọn phương án “muốn hết ngập thì phải nâng đường”. Hàng loạt tuyến đường, khu vực đã được nâng lên nhưng lại phát sinh nhiều hệ lụy khác mà việc nâng đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) là minh họa cụ thể.
Trong khi đó, vấn đề cốt lõi là việc quy hoạch tổng thể hệ thống cống thoát nước với các tuyến cống cấp 1, cấp 2 và mạng thoát nước nhỏ hơn kết nối vào thì chưa được quan tâm. Nếu có quy hoạch thì sẽ xác định được các hướng thoát nước chính ở đâu. Đây là cơ sở để quy hoạch các tuyến thoát nước nhánh, thu gom nước về cũng như các hướng tuyến ngang kết nối ra sao. Một nội dung quan trọng khác nữa của quy hoạch tổng thể là xác định được cao độ cụ thể của từng cấp ống thoát nước.
“Vấn đề chống ngập cho TPHCM gặp lúng túng, thậm chí bế tắc vì bài toán quy hoạch. Chính vì không có quy hoạch tổng thể này nên việc chống ngập thiếu định hướng và nước không được thu gom hiệu quả. Ngoài ra, việc chống ngập lâu nay cứ “ngắt khúc”, chỗ này làm cống, chỗ kia đào hồ, chỗ nọ nâng đường nhưng bài toán tổng thể không có nên ngập vẫn hoàn ngập. Trong khi đó, khi đã có quy hoạch thật tốt thì nhắm mắt cũng biết nước đổ về đâu và các dự án dân cư cứ bám theo đó mà làm. Phú Mỹ Hưng nằm ở khu vực thấp nhưng không bị ngập vì được quy hoạch rất tốt. Nó khác với nhiều nơi, dự án chống ngập vừa xong lại vẫn ngập lênh láng”, vị chuyên gia này dẫn chứng.
TPHCM đang hướng đến mục tiêu xây dựng TP có chất lượng sống tốt. Tình trạng ngập nước đô thị hiện nay đang là cản trở lớn đối với TP trong quá trình thực hiện mục tiêu trên. Đã đến lúc chính quyền các cấp, các sở ngành chức năng sớm có giải pháp mạnh giải quyết thực trạng này và nên tiến hành từ công tác quy hoạch.
Quản lý, vận hành kém cũng gây ngập
Tình trạng mưa ngập trên địa bàn TPHCM do mưa, do triều và kết hợp cả mưa lẫn triều cường. Mưa gây ngập là xảy ra ở những nơi ngập chưa có cống thoát nước hoặc đã có nhưng cống nhỏ, không đủ lớn cho nước mưa thoát. Một tình huống khác là hệ thống cống có vấn đề.
Triều cũng gây ngập cho những nơi gần sông không có cống, bờ bao che chắn lại khiến nước triều tràn bờ gây ngập. Cạnh đó, khu vực đã có hệ thống cống thoát nước nhưng vẫn ngập là do nơi ấy thấp hơn mực nước triều cường. Còn khi mưa và triều gây ngập là tổng hợp các nguyên nhân vừa kể trên.
Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng khác khiến tiền tỷ đổ xuống nhưng ngập vẫn xảy ra là tình trạng lỏng lẻo trong kiểm tra, giám sát việc nạo vét, duy tu hệ thống cống... Đơn cử, đường Calmette (quận 1) lâu nay vẫn ngập do triều là bất thường. Nơi đây đã có hệ thống cống thu gom, có van một chiều sẽ đóng lại khi triều lên cao và nước không vào được. Tuy nhiên, nếu việc vận hành, duy tu không tốt khiến van một chiều bị kẹt, không đóng lại khi triều cường dâng cao và ngập là đương nhiên.

Tin cùng chuyên mục