LTS: Hôm qua 27-5, Báo SGGP đăng bài phản ánh về tình trạng ngập nước mùa mưa tại TPHCM. Sau khi đăng, báo nhận được bài viết phản hồi của ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM. Báo SGGP xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Kéo giảm nhiều điểm ngập
Chương trình chống ngập trong mùa mưa và xử lý môi trường nước giai đoạn 2001 - 2010 đã đạt được những kết quả nhất định. Qua 10 năm triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả sau: Xóa các điểm ngập hiện hữu và ngăn chặn phát sinh các điểm ngập mới (xóa 70/100 điểm ngập lớn trong nội thị); khởi công các dự án thoát nước, các dự án ODA...
Đến nay, đã hoàn thành 3 dự án sử dụng vốn ODA, 68 dự án sử dụng vốn trong nước và các công trình cấp bách hàng năm của Sở Giao thông vận tải; các dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, bờ hữu sông Sài Gòn và các công trình đê bao khu vực vùng ven, ngoại thành do Sở NN-PTNT, các quận, huyện làm chủ đầu tư.
Đưa vào vận hành 2 nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân): công suất 30.000m³/ngày đêm (năm 2006), nhà máy Bình Hưng thuộc lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ và trạm bơm chuyển tiếp Đồng Diều, công suất 144.000m³/ngày đêm (vận hành ổn định từ ngày 16-5-2009 đến nay).
Hoàn thành 36 dự án cải tạo, lắp mới hệ thống thoát nước bằng nguồn vốn ngân sách. Đã đưa vào khai thác vận hành 184km hệ thống thoát nước. Xây dựng 272 công trình kiên cố đê bao với tổng chiều dài 228km (trong đó 115km kiên cố hóa bằng bê tông theo mặt cắt định hình) để bảo vệ 5.370ha và 10.783 hộ dân.
Xóa được 149 điểm ngập và kéo giảm tình trạng ngập nặng tại một số khu vực ngập trọng điểm như khu vực đường Hùng Vương, Phú Thọ, Tân Hòa Đông, Đặng Nguyên Cẩn, Bà Hom, Nguyễn Văn Đậu, Nguyễn Thượng Hiền, Tân Kỳ - Tân Quý, Cô Bắc - Cô Giang, Nguyễn Thái Học… diện tích, độ sâu và thời gian giảm một nửa so với trước đây. Đặc biệt, khu vực Hồng Bàng, Tân Hòa Đông ngập từ 10 - 12 giờ vào năm 2001 đã giảm xuống còn 1 - 2 giờ do việc hoàn thành và phát huy tác dụng các công trình cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét, giải tỏa các vị trí “thắt cổ chai” thu hẹp dòng chảy trên kinh Tân Hóa - Lò Gốm để hạ thấp mực nước trên kênh. Đặc biệt đã giải quyết được tình trạng ngập do triều ở các phường 12, 13, 24, 26 quận Bình Thạnh.
Lắp đặt và vận hành các trạm bơm ứng cứu ở các khu vực bị ngập nặng; trong khi các dự án kiểm soát triều trên diện rộng đang trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án. Lắp đặt các phay chặn, van một chiều, lắp đặt bơm nước chống ngập.
Riêng 3 dự án thoát nước sử dụng vốn ODA (dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, giai đoạn II; dự án Nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) và dự án Tham Lương- Bến Cát - rạch Nước Lên đang tiếp tục thực hiện. Các dự án chưa triển khai chủ yếu thuộc về nhóm cải tạo, nạo vét kênh rạch do chưa giải quyết xong các vấn đề về giải tỏa, tái định cư.
Khắc phục điểm yếu thi công
Việc triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị với quy mô lớn cũng thể hiện một số khiếm khuyết làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước (nhiều công trình thi công các hệ thống thoát nước lớn đã hoàn thành trục chính, nhưng chưa kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước hiện hữu, việc thi công của các nhà thầu thiếu biện pháp dẫn dòng, gây bít dòng chảy, cửa xả,...).
Qua kiểm tra, thống kê năm 2009 có 224 vị trí của hệ thống thoát nước trên các tuyến đường bị ảnh hưởng gây ngập, TP đã chỉ đạo kiểm tra, tăng cường xử lý và đã khắc phục 122 vị trí; đang kiểm tra, đôn đốc khắc phục 102 vị trí còn lại. Mặt khác, hiện nay chưa có một chiến lược tổng thể, toàn diện về xóa, giảm ngập; quy hoạch chi tiết các lưu vực thoát nước, bình đồ hệ thống thoát nước.
Chưa đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án ODA vốn được xem là một trong những giải pháp đột phá để thực hiện chương trình chống ngập. Hạ tầng thoát nước phát triển không đồng bộ với quá trình đô thị hóa, chỉ đạt 1/4 chiều dài cần xây dựng phát triển đến năm 2020.
Với tình hình này, ngập sẽ gia tăng nếu các giải pháp quản lý đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng thoát nước không theo kịp đô thị hóa và không quản lý tốt vấn đề san lấp, lấn chiếm kênh rạch. Các lưu vực có nguy cơ gia tăng tình trạng ngập và xuất hiện điểm ngập mới đó là: Vùng phía Tây (quận Bình Tân, một phần Bình Chánh, quận 6, 8), vùng Đông Nam (quận 2, 9, Thủ Đức), vùng phía Nam (quận 7, một phần quận 8 và huyện Bình Chánh). Riêng đối với các quận, huyện phía Bắc và Đông Bắc như quận 12, Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức tuy có địa hình cao nhưng việc phát triển các khu dân cư mới hệ thống thoát nước không đồng bộ cũng sẽ bị ngập trong tương lai.
Trong thời gian tới, cần giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều (xóa 90% các điểm ngập do mưa, xóa 90% các tuyến đường ngập do triều). Cụ thể, phấn đấu xóa các điểm ngập do mưa hiện hữu (tương ứng với tần suất thiết kế chu kỳ tràn cống 2 - 3 năm của hệ thống thoát nước), kéo giảm tình trạng ngập nước lưu vực Bắc Tàu Hủ và Tân Hóa - Lò Gốm, bao gồm các quận 11, Tân Phú, Bình Tân, 6, 11 và một phần quận 5, không để tái diễn tình trạng ngập do thi công và khống chế tình trạng phát sinh các điểm ngập mới.
Để đạt được các mục tiêu trên, công tác xóa, giảm ngập trên địa bàn TP cần tập trung xử lý kéo giảm và xóa 96 điểm ngập hiện hữu; không để tình trạng ngập do thi công các công trình; khống chế tình trạng phát sinh các điểm ngập mới. Xây dựng một chiến lược tổng thể và toàn diện trên cơ sở gắn chặt 4 yếu tố: mưa, triều, lũ và sinh thái thành một thể thống nhất để quản lý ngập lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu một cách bền vững.
Xây dựng các hồ điều tiết tại những nơi có địa hình cao, giữ tối đa các khu đất ngập nước tại những nơi có địa hình thấp, giảm sự gia tăng dòng chảy mặt… Đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án ODA, sớm hoàn thành đưa vào quản lý, vận hành các dự án thoát nước chống ngập đang thi công, đã được phê duyệt.
NGUYỄN NGỌC CÔNG
>> Chống ngập mùa mưa tại TPHCM - Đầu tư tiền tỷ vẫn... cứ ngập!