Chống ngập từ gốc

Sớm triển khai các dự án chống ngập úng khu vực TPHCM
Chống ngập từ gốc

Tình trạng ngập lụt tại TPHCM đang có chiều hướng gia tăng. Nếu TP không có các giải pháp quy hoạch hoặc giải pháp kỹ thuật phù hợp, vấn đề úng ngập sẽ càng trở nên nghiêm trọng.

Không còn chỗ chứa nước

Nhiều chuyên gia thủy lợi cho rằng nguyên nhân chính TPHCM ngày ngập càng nặng ở nhiều khu vực mỗi khi mưa lớn kết hợp triều cường là do hệ thống cống thoát nước và hồ chứa quá ít hoặc không đủ lớn và quá tải.

Cách đây 15-20 năm, TP có rất nhiều vùng đất trống trũng hoặc ruộng đồng và hồ ao ở các quận 2, 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp. Ở các khu vực này, mỗi khi trời mưa, một phần nước mưa chảy vào các ao hồ, phần còn lại mới theo cống thoát nước ra sông. Vì thế, khi trời mưa, đường phố không có cảnh ngập sâu như thời gian qua.

Đô thị hóa trong khoảng 10 năm qua của TPHCM ở những quận nói trên làm cho nhà cửa mọc lên dày đặc không theo quy chuẩn nào. Trong quá trình đô thị hóa như vậy, các nhà quản lý đã không xem xét nghiêm túc tới những thay đổi thời tiết bất thường, triều cường ngày càng tăng cao.

Trong khi đó hệ thống thoát nước được xây dựng rất khiêm tốn, thậm chí nhiều nơi không có cống thoát nước. Đó là chưa kể hệ thống kênh rạch bị lấn chiếm san lấp để xây dựng nhà cửa. Nhiều vùng đất trống (ruộng, vườn) và hồ ao đã bị bê tông hóa trong quá trình xây dựng nhà ở, đường sá, làm cho nước mưa hoặc triều cường không còn chỗ chứa nước.
 
Mặc dù đã chi rất nhiều tiền đầu tư xây mới hàng loạt hệ thống thoát nước, mua sắm máy bơm công suất lớn và áp dụng rất nhiều biện pháp cấp bách, song TP vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề ngập sau những trận mưa trên 80mm cộng với triều cường như đợt vừa qua.
 
Cống mới đã quá tải

Thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, nhưng hệ thống đang làm hiện nay chỉ đáp ứng được lượng mưa khoảng 60mm và đỉnh triều dưới 1,40m, trong khi đó, triều cường và lượng mưa ngày càng tăng (triều cường ngày 9-11 đến 1,58m).

Đơn cử như Dự án Cải thiện môi trường nước do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang làm, theo thiết kế dựa trên đỉnh triều cường cao nhất tại sông Sài Gòn là 1,32 m, có khả năng chịu được lượng mưa tối đa khoảng 90 mm (trong trường hợp 2 năm mới xảy ra một lần), trong khi mực nước ngập khi có triều cường hiện nay lên hơn 1,5m.

Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP cho rằng, hiện nay hệ thống thoát nước của thành phố rơi vào tình trạng thường xuyên bị quá tải, nhất là vào thời điểm triều cường dâng cao kết hợp mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ngập nặng.

Cũng theo đơn vị này, dự án xây dựng cống thoát nước từ năm 2001 chỉ phù hợp với đỉnh triều cường khoảng 1,32m. Còn hiện nay đỉnh triều cường lên 1,58m cùng những trận mưa lớn vì thế cống thoát nước bị quá tải là đương nhiên.

Ngoài ra, một số cống chính có khả năng thoát nước với những cơn mưa có lượng nước khoảng 85mm với tần suất tràn cống hai hoặc ba năm xuất hiện một lần. Nhưng hiện nay nhiều trận mưa trên 100 mm liên tục xảy ra, đương nhiên hệ thống cống như vậy không thể thoát kịp.
 

Thi công công trình lắp đặt cống thoát nước tại vòng xoay Đầm Sen. Ảnh: CAO THĂNG

Thi công công trình lắp đặt cống thoát nước tại vòng xoay Đầm Sen. Ảnh: CAO THĂNG

Để giải quyết triệt để tình trạng ngập, bên cạnh các giải pháp đang làm, về lâu dài cần tập trung vốn và cải tiến các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đê bao và cống kiểm soát triều, nạo vét các kênh rạch thoát nước quan trọng; các dự án tiêu thoát nước và xử lý nước thải cho các vùng phía Bắc, vùng phía Tây, vùng Đông - Nam, vùng Đông-Bắc và vùng phía Nam TPHCM.

Ưu tiên thực hiện trước các công trình cải tạo hệ thống thoát nước và hệ thống thu gom nước thải cho khu vực quận 5, 6, 8 để cải thiện nhanh tình hình ngập nước. Giải tỏa tình trạng lấn chiếm kênh rạch để thực hiện việc nạo vét theo đúng thiết kế kỹ thuật. Xây dựng hồ điều tiết tập trung và phân tán; quy định về điều tiết trữ nước mưa trong xây dựng nhằm giới hạn lưu lượng đỉnh xả cùng lúc vào hệ thống thoát nước thông qua các giải pháp chứa nước có điều tiết...

QUỐC HÙNG

Sớm triển khai các dự án chống ngập úng khu vực TPHCM

Ngày 12-11, tại buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TPHCM cho biết, trong tháng 11 này, TPHCM sẽ khởi công thực hiện dự án xây dựng cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây là một trong những công trình trọng điểm thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM đã được Chính phủ phê duyệt (gọi tắt là Quy hoạch 1547).

Theo Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TPHCM, ngoài dự án trên, TPHCM cũng đang tích cực chuẩn bị công tác xây dựng kế hoạch, phê duyệt, thẩm định các dự án khác, gồm dự án xây dựng cống kiểm soát triều sông Kinh, Phú Xuân.

Ngoài ra, dự án xây dựng cống kiểm soát triều sông Tân Thuận và dự án xây dựng tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, từ Vàm Thuận đến sông Kinh, đang trong quá trình lập quy hoạch, chỉnh sửa chi tiết.
 
Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM được triển khai trong phạm vi hơn 968.000ha, trong đó TPHCM có diện tích hơn 200.000ha và các vùng phụ cận bao gồm lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Dự án được thực hiện giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2012), với việc triển khai các dự án khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè.

Giai đoạn 2, sau năm 2012 sẽ giải quyết khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn. Tổng mức đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM dự kiến gần 11.530 tỷ đồng. 

Q.HÙNG

Tin cùng chuyên mục