Chống tham nhũng gắn với thu hồi tài sản cho Nhà nước

(SGGP).- Đó là vấn đề được nêu ra tại buổi tiếp xúc cử tri quận 11, TPHCM với các đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND tối cao, Huỳnh Thành Đạt - Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia TPHCM, Phạm Phú Quốc - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (tổ đại biểu số 4).

Tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu nhiều ý kiến bức xúc về tình trạng lãng phí chất xám, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội; kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học thay đổi liên tục khiến phụ huynh và học sinh hoang mang; dù thành phố đã chi ngân sách rất lớn cho chương trình chống ngập nhưng tình trạng ngập nước vẫn năm sau cao hơn năm trước… Cử tri cũng đề nghị chương trình xây dựng luật của Quốc hội phải khoa học nhằm đảm bảo luật dễ hiểu, mang tính khả thi cao khi thi hành; cần quản lý chặt hơn nữa tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp, không để tiếp tục lãng phí, thất thoát, sử dụng kém hiệu quả, phục vụ cho “lợi ích nhóm”. Trước tình trạng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan, nếu chỉ xử lý vi phạm hành chính như thời gian qua thì chưa đảm bảo tính răn đe.

Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội TPHCM, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu ghi nhận những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, cho biết sẽ phản ánh tại diễn đàn Quốc hội. Về hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng được nhiều cử tri băn khoăn, đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí khẳng định: “Đảng ta xác định tham nhũng là một trong 4 nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Phòng chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, Nhà nước, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trong năm 2015 và đầu năm 2016 có nhiều vụ án kinh tế lớn, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử như: “Bầu” Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo, Phạm Công Danh, sắp tới sẽ tiếp tục xét xử thêm một số vụ”. Theo đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí, chống tham nhũng phải gắn với mục tiêu phòng được tham nhũng và thu hồi lại tài sản cho Nhà nước; đồng thời phải xây dựng các quy định pháp luật, hoàn thiện các cơ chế để quản lý chặt chẽ các lĩnh vực - đặc biệt là những lĩnh vực “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực như đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân hàng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xác định trách nhiệm người đứng đầu.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục