1. Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm vụ anh Trần Văn Giáp, một trong 18 điển hình được Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh Nghệ An khen thưởng, nhiều lần bị côn đồ tấn công vì anh đã dũng cảm chống tiêu cực. Cũng ở tỉnh này, một nhà báo bị hành hung vì viết bài phanh phui tiêu cực trên địa bàn. Những vụ việc tương tự diễn ra không phải là cá biệt.
Trong buổi tuyên dương 88 cá nhân điển hình chống tham nhũng năm 2010 của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, nhiều cá nhân được tuyên dương đã cay đắng thừa nhận: những người chống tham nhũng đều bị trù dập; nhẹ thì bị “làm khó”, bị mất việc làm, nặng thì bị đe dọa, khủng bố, bị hành hung, thậm chí bị truy sát. Không chỉ bản thân họ mà gia đình, người thân của họ cũng là nạn nhân từ các hành động trả thù của kẻ bị tố cáo tiêu cực. Điều đáng nói là các hành động đó phần nhiều do chính những người bị tố cáo chủ mưu thực hiện.
Ngay cả một nhân vật chống tham nhũng nổi tiếng là đại tá Đinh Đình Phú, cựu cán bộ công an, đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng, khi đứng lên tố cáo những sai phạm của một số quan chức về đất đai tại Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng phải chịu nhiều thử thách, từ bị đe dọa, gây “tai nạn” cho đến bị “yêu cầu” khai trừ Đảng. Hay thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người từng tố những tiêu cực, gian lận trong thi cử, sau nhiều năm bị “soi mói”, “dè xét” nay phải ra khỏi ngành và có cuộc sống rất chật vật, cả về mặt kinh tế lẫn tinh thần.
Còn một công dân chống tiêu cực danh tiếng khác là chủ nhân giải thưởng Liêm khiết năm 2007 của Tổ chức Minh bạch quốc tế, bà Lê Hiền Đức, đã phải thừa nhận rằng “người chống tham nhũng thường rất đơn độc”. Mà đã đơn độc thì rất dễ bị trả thù và khi đó hậu quả thường rất nặng nề.
2. Lâu nay, ít người dám tố cáo tham nhũng, ngay cả những người lẽ ra phải luôn tiên phong, đi đầu trong các hoạt động cũng hiếm khi dám tố cáo tiêu cực trong nội bộ của mình. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa hơn cả là vì thiếu niềm tin. Trước hết là niềm tin ở công lý. Có khi kẻ bị tố cáo dù đủ chứng cứ nhưng không bị xử lý đến nơi đến chốn, hoặc “giơ cao đánh khẽ”, thậm chí có trường hợp chỉ bị thuyên chuyển công tác sang nơi khác. Sau nữa là niềm tin ở sự bảo vệ của các cơ quan công quyền cho bản thân và gia đình khi lên tiếng tố cáo tiêu cực. Có khi còn thiếu niềm tin cả ở sự nhìn nhận khách quan và công tâm của cơ quan, đơn vị, xã hội đối với hành động tích cực đó.
Không chỉ vậy, với những diễn biến phức tạp của nhiều mặt xã hội, từ đạo đức, lối sống cho đến quan hệ ứng xử với nhau trong khuôn khổ pháp luật, nhiều người đã tỏ ra mất niềm tin vào những điều tốt đẹp ở xã hội. Một chiếc xe bị lật, bia đổ ra đường, người ta tranh nhau cướp giật, đến độ “một xe bia bị lật, cả làng say”; một chiếc xe chở dưa hấu bị tai nạn, người ta chen lấn nhau “lượm”. Người ta tranh nhau làm những việc sai trái vì cho rằng “nếu mình không làm thì người khác cũng làm”, rằng “được phần mình, còn thiệt cho thiên hạ thì mặc”. Cả việc chấp pháp, lẽ ra mọi người phải tôn trọng pháp luật, nhưng trên thực tế, nhiều khi người ta phải “chạy thuốc”, kể cả khi lý lẽ thuộc về mình. Đó là vì người ta thiếu niềm tin ở sự công bằng của pháp luật. Lẽ dĩ nhiên, nếu không ai tin ai, không ai tin ở pháp luật, không ai tin ở những điều tốt đẹp của xã hội thì mọi chuẩn mực sẽ không còn giá trị. Khi đó, chỉ còn “mạnh được, yếu thua”, người ta sẽ bất kể, bất chấp mọi thứ để tìm kiếm lợi ích cho riêng mình. Tham nhũng sẽ ở cơ chế đó. Và chống tham nhũng phải giải quyết từ cơ chế đó.
3. Cần phải củng cố lòng tin trong hoạt động phòng và chống tham nhũng. Đó là thực thi nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật đối với kẻ có hành vi tham nhũng. Phải tránh “giơ cao đánh khẽ”, “nhẹ trên nặng dưới”, đồng thời cũng tránh “đánh trống bỏ dùi”… Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, tuyên dương người tố cáo tham nhũng cần được thực hiện kịp thời, thiết thực và có hiệu quả hơn nữa. Đó là cách để giúp cho người đấu tranh không phải e sợ “tránh đâu” và củng cố niềm tin ở người dân vào sự công bằng, minh bạch của các cơ quan công quyền, của pháp luật và của những người thực thi pháp luật.
Dĩ nhiên, phải nâng cao niềm tin của toàn xã hội đối với những điều tốt đẹp, ở mối quan hệ thân ái, tôn trọng giữa người với người, thay vì luôn nghi ngờ lẫn nhau. Đó là cần phải nâng cao đạo đức xã hội, xây dựng và củng cố lòng tin với nhau và tin ở sức mạnh của công lý, chính nghĩa. Xét kỹ, củng cố lòng tin là cái gốc của nhiều vấn đề, không chỉ trong phòng và chống tham nhũng.
TRÚC GIANG (quận 3)