Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ diễn ra quy mô lớn vào tháng 10-2010 với sự quan tâm của cả nước và thế giới. Đây là dịp để Việt Nam tự hào là một nước có nền văn hóa lâu đời và phát triển rực rỡ, thấm đẫm tính nhân văn cao cả, bất chấp những thăng trầm trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong dịp trọng đại này, chúng ta được cảm nhận sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về bề dày lịch sử của trái tim Tổ quốc, về hào khí Thăng Long ngàn năm văn hiến vẫn tồn tại và bay lên cùng hồn thiêng sông núi. Thế giới cũng sẽ hiểu thêm về thủ đô yêu dấu của Việt Nam, một thời đạn bom một thời hòa bình. Chính vì những ý nghĩa cao đẹp mang tầm thiên niên kỷ, đòi hỏi công việc chuẩn bị cho đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội phải hết sức chu đáo, kỳ công bằng cả trí tuệ, tâm hồn dân tộc.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, đã hết tháng 2-2010, công việc còn khá bộn bề, từ khâu chọn nhân vật, nghệ sĩ chính thực hiện những chương trình thuộc phạm vi lễ hội, đến tuyển chọn, dàn dựng các tiết mục nghệ thuật làm tâm điểm, cũng như các chương trình đồng hành, chương trình phụ trợ, chương trình quảng bá - tuyên truyền… Đặc biệt, tổng đạo diễn của đại lễ cũng chưa thấy ban tổ chức công bố chính thức.
Còn nhớ trước đây, khi Trung Quốc tổ chức sự kiện Olympic Bắc Kinh 2008, trước đó 1 năm họ đã tổ chức thi tuyển để tìm ra một ê-kíp tốt nhất và đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu cũng phải dự thi và vượt qua bao nhiêu đạo diễn tài hoa khác mới được đứng ở vị trí tổng đạo diễn. Còn hiện nay chúng ta chưa thấy, hoặc chưa quyết định công khai ai là tổng đạo diễn cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội e rằng có trễ? Vì để thiết kế, dàn dựng, điều hành một chương trình quốc gia quan trọng như vậy cần rất nhiều thời gian, trí tuệ nhằm đưa ra những ý tưởng độc đáo để dàn dựng, điều hành một ê-kíp thực hiện phần chính của lễ hội, các nhánh chương trình sao cho nhịp nhàng, hiệu quả, thể hiện một cách đầy đủ, sâu sắc nhất tinh hoa ngàn năm tồn tại và phát triển của Thăng Long - Hà Nội.
Từ giữa năm 2009, TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện nhiều công việc hưởng ứng đại lễ như sáng tác tượng Bác Hồ - Bác Tôn để đặt tại Hà Nội, thi tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội xưa và nay, phát động thi thơ, thi nhạc phổ thơ mang chủ đề “Thăng Long Hà Nội - trái tim tôi” v.v… Nhưng các hoạt động này cũng chỉ mang tầm địa phương mà chưa lan tỏa, phổ biến được tới các địa phương khác trong cả nước. Ngay các nhạc sĩ tham gia sáng tác tác phẩm cho chương trình âm nhạc trong đại lễ cũng không được tiết lộ với báo giới những công việc mình làm, để các cơ quan thông tin đại chúng tham gia tuyên truyền cổ động. Bộ phim Lý Công Uẩn hướng về 1.000 năm Thăng Long đang được triển khai theo phương thức xã hội hóa, song lại còn nhiều điều bất cập!
Sự phối hợp chưa kịp thời giữa ban tổ chức với các địa phương, ban ngành, báo chí có thể làm chậm tiến độ tuyên truyền, cổ động và hưởng ứng? Việc phát động nhân dân cả nước hướng về sự kiện trọng đại này còn khá mờ nhạt, chưa đều khắp và sâu rộng. Muốn dựa vào sức dân để thực hiện một chương trình, một sự kiện mang tầm vóc thiên niên kỷ, nên chăng tổ chức phát động, tuyên truyền rộng rãi, tổ chức nhiều hình thức tọa đàm, thi đố, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, cung cấp tư liệu, quảng bá trên màn ảnh truyền hình, rạp chiếu phim, trên mạng internet… một cách bài bản, với lịch trình cụ thể, thường xuyên, có điểm nhấn.
Cũng cần ghi nhận, ban tổ chức đại lễ có tâm thế và tinh thần trách nhiệm, tỏ ra khá khẩn trương nhưng dư luận vẫn cảm nhận chưa tương xứng với mức độ và bản chất của vấn đề quan trọng này. Các cơ quan hữu quan, ban ngành cấp trung ương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để cùng hòa nhịp với các tỉnh, thành phố, bởi lẽ sự kiện này không chỉ của riêng Hà Nội mà là việc quốc gia đại sự đang thu hút sự chú ý đặc biệt của các tổ chức văn hóa, những nhà sử học, chuyên gia thiết kế đô thị trên thế giới. Qua đại lễ này, Việt Nam càng được khẳng định, tôn vinh là một đất nước của văn hóa và hòa bình.
Xuân Thái