Chủ động “kịch bản” cho thiên tai thảm họa

Miền Bắc và miền Trung vừa trải qua đợt nắng nóng kỷ lục với nền nhiệt độ cao nhất đo trong lều khí tượng là 42,5°C (còn người dân đo trực tiếp trên đường phố giữa trưa hè nắng gay gắt là 52 đến gần 60°C). 

Theo đánh giá của cơ quan khí tượng thủy văn thì đợt nắng nóng vừa xảy ra là đợt nắng nóng kỷ lục trong hơn 40 năm qua. Hiện tại đợt nắng nóng đang dịu trở lại nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người dân, do năm nay có hai tháng 6 âm lịch, cộng thêm tháng 7 âm lịch (là tâm điểm của mùa hè) nên các khu vực gồm từ tỉnh Phú Yên trở ra ngoài Bắc bộ, người dân sẽ còn phải đối mặt với 3 tháng nắng nóng nữa.

Trên thế giới, nhiều chuyên gia cũng đang cảnh báo năm 2017 sẽ tiếp tục có kỷ lục mới về nhiệt độ cao. Trong tháng 3-2017, nhiệt độ toàn cầu trên mặt đất và bề mặt đại dương được ghi nhận là cao hơn 1,95°C so với mức trung bình do hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Năm ngoái, đã từng có những kỷ lục về nắng nóng nhưng năm nay, kỷ lục mới lại vượt lên kỷ lục cũ. Điều này làm cho mọi người không khỏi lo lắng trước các nguy cơ biến đổi khí hậu “gõ cửa” quá sớm. Mà mọi hình thái thiên tai đều đáng sợ, nhẹ thì làm đảo lộn mọi sinh hoạt của nhiều người dân, nặng thì gây thiệt hại cho sản xuất và cướp đi tính mạng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, năm 2016 thiên tai làm 264 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế lên tới gần 40.000 tỷ đồng. Trong đó có hàng trăm ngàn ngôi nhà bị đổ và ngập nước, gần 830.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (chưa kể hệ thống đường sá, cầu cống, công trình công cộng).

Tại hội nghị về tình hình thiên tai tổ chức ở Hà Nội vào tháng 4-2017 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo năm nay có thể xuất hiện tới 12-17 cơn bão. Đáng lo ngại là siêu bão, hiện nay chúng ta còn rất lúng túng từ dự báo đến quá trình ứng phó. Mỗi lần bão lớn đổ bộ, thiệt hại về kinh tế rất nghiêm trọng, như cơn bão số 1 vào tháng 7-2016 làm hàng vạn cột điện gãy đổ (chưa kể thiệt hại nặng nề về cây trái). Hàng trăm tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị thổi bay trong chốc lát. Cùng với bão là mưa lũ luôn rình rập. Tại hội nghị về nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá tổ chức ngay đầu tháng 6-2017, Bộ NN-PTNT cũng khẳng định đây chính là các sự cố gây chết người phổ biến nhất thời gian qua.

Trước xu thế biến đổi khí hậu đến sớm và thiên tai thảm họa ngày càng khốc liệt thì điều quan trọng nhất hiện nay đặt ra là phòng tránh và ứng phó như thế nào? Theo nhiều chuyên gia, với các hình thái thiên tai như mưa - bão - lũ, nắng nóng - hạn hán, rét hại - băng giá… sẽ khó né tránh nhưng nếu chủ động ứng phó thì chắc chắn sẽ giảm đáng kể những thiệt hại có thể xảy ra. Tuy nhiên, nói về thiên tai thảm họa, nhiều người vẫn cảm nhận khá mơ hồ hoặc chỉ thực sự lo sợ khi nó đang hiển hiện ngay trước mặt, trực tiếp đe dọa tính mạng.

Sự thật là ở nhiều nơi hiện nay, chính quyền chưa soạn được những “kịch bản” ứng phó đối với từng loại hình mưa bão, lũ ống lũ quét, hạn hán để người dân áp dụng. Vì thế mà khi thiên tai xảy ra, chúng ta thường rất lúng túng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra rằng mặc dù từ năm 2014, Luật Phòng chống thiên tai đã có hiệu lực nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng xong Kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia. Một số địa phương, bộ ngành chưa quan tâm đúng mức xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; chưa cụ thể hóa được các tình huống, kịch bản sát thực tế để có phương án ứng phó phù hợp; chưa kịp thời điều chỉnh, cập nhật các tình huống thiên tai cực đoan; nhất là phương châm “4 tại chỗ” vẫn mang tính hình thức ở nhiều địa phương. Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo phải khẩn trương ban hành ngay kế hoạch trong năm 2017.

Theo nhiều chuyên gia, có rất nhiều thứ phải làm nhưng 3 thứ quan trọng nhất khi bàn giải pháp ứng phó thiên tai thảm họa là hoàn thiện về hạ tầng phòng chống thiên tai, xây dựng kịch bản ứng phó và nâng cao chất lượng công tác dự báo. Mặc dù lịch sử phòng chống thiên tai ở nước ta đã có cả ngàn năm qua nhưng hiện tại cơ sở hạ tầng vẫn chỉ dừng lại ở việc nâng cấp các con đê sông, đê biển xây dựng từ nhiều trăm năm trước. Các đô thị vẫn ngập lụt nặng khi mưa, thủy điện làm tăng thêm lũ hoặc hạn hán nặng cho hạ du. Trận hạn hán kỷ lục và kéo dài từ năm 2015 qua năm 2016 ở ĐBSCL chứng minh chúng ta hoàn toàn bị động. Trong khi đó, công tác dự báo thời tiết vẫn chưa chính xác, dù chỉ là các hiện tượng đơn thuần như mưa - nắng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận xét rằng công tác dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều dự báo nhiều khi còn “gây bất ngờ lớn”.

Trong chừng mực ngân sách tài chính của quốc gia còn khó khăn như hiện nay, việc bố trí đầu tư cho hạ tầng phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu có thể chưa đạt được những mục tiêu mong muốn. Nhưng xây dựng các kịch bản ứng phó khi có sự cố xảy ra và chủ động dự báo sớm, chi tiết đến từng khu vực là những yêu cầu không thể chậm trễ để người dân có thể chủ động phòng tránh và giảm thiểu những thiệt hại không mong muốn về kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục