Tại phiên họp thường kỳ tháng 2-2010 diễn ra hôm qua tại Hà Nội, Chính phủ cho rằng, trước áp lực đang gia tăng của lạm phát, thời gian tới cần những bước đi chủ động, linh hoạt và thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ. Trước đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, các quyết sách kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 2 tháng đầu năm nay đã góp phần làm ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thanh khoản cho nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi.
Trước tết, cơ quan điều hành chính sách đứng trước bài toán giải quyết hài hòa 2 vấn đề: một mặt phải tăng thanh khoản nền kinh tế đồng thời phải bảo đảm ổn định thị trường và kiềm chế lạm phát gia tăng. NHNN đã chủ động giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, làm tăng nguồn vốn cho vay khoảng 500 triệu USD, giảm chi phí huy động vốn khoảng 0,1%. Nghiệp vụ thị trường mở được mở 2 phiên/ngày, kéo dài thời hạn chào mua giấy tờ có giá từ 14 ngày lên 28 ngày; cho vay tái cấp vốn thời hạn 1 tháng để hỗ trợ thanh khoản… Việc tăng lượng tiền cung ứng với kỳ hạn thích hợp cho các ngân hàng thương mại đã giúp đảm bảo khả năng thanh toán, mở rộng cho vay sản xuất, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Sau tết, do tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng, số tiền cung ứng này đã được thu về, ít tác động đến lạm phát. Theo NHNN, vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại trước tết dư thừa khoảng 13.000 tỷ đồng và hiện nay khoảng 30.000 tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng nhân tố tác động tới giá cả hàng hóa là bội chi ngân sách và tín dụng ngân hàng, nhưng do tín dụng ngân hàng đã được kiểm soát tăng ở mức thấp từ những tháng cuối năm 2009 nên tác động đối với giá cả hàng hoá trong 2 tháng đầu năm không lớn so với các nhân tố khác. Điều này thể hiện công tác dự báo, chủ động điều hành chính sách tiền tệ đã có bước chuyển biến đáng kể.
Việc điều chỉnh tỷ giá tăng 3,36% và lập trần lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức 1%/năm cũng là một bước đi chủ động giúp giải tỏa tâm lý găm giữ ngoại tệ, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân bán ngoại tệ, qua đó giúp doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với ngoại tệ, tăng cường tính thanh khoản trên thị trường ngoại hối. Việc điều chỉnh tỷ giá còn góp phần hỗ trợ xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại – vốn được nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế đánh giá là một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam trong năm 2010.
Theo NHNN, CPI trong 2 tháng đầu năm 2010 tăng ở mức khá cao nhưng chưa phải là đột biến. Vì vậy, công cụ lãi suất đã được điều hành linh hoạt, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại mở rộng huy động vốn và cho vay đối với nền kinh tế. Lãi suất cơ bản tiếp tục được giữ ở mức 8%/năm trong tháng 3-2010.
Mới đây NHNN đã cho phép mở rộng cho vay trung, dài hạn bằng VNĐ theo lãi suất thoả thuận để tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng khả năng huy động và cho vay đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tập trung tái cơ cấu ở giai đoạn hậu khủng hoảng, việc khai thông dòng vốn trung và dài hạn là điều vô cùng cần thiết. Tất nhiên, chính sách này sẽ tạo ra một mặt bằng lãi suất cao hơn, và trong thực tế có thể dẫn đến tác dụng phụ, như khó kiểm soát chất lượng tín dụng hoặc làm mất cân đối cơ cấu vốn nếu các ngân hàng chạy theo những đối tượng sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất vay vốn cao như đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản… Điều này đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm trong điều hành và sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý để dòng vốn đến đúng địa chỉ, phát huy hiệu ứng tích cực phục vụ nền kinh tế.
Bảo Minh