Chủ động nguồn hàng, tổ chức tết an toàn, tiết kiệm

Tại cuộc họp kinh tế - xã hội tháng 1-2018 diễn ra vào chiều 1-2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu rõ, giám đốc các sở - ngành không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao sẽ không được lãnh đạo UBND TP ký bằng khen hoàn thành nhiệm vụ. 
Chủ động nguồn hàng, tổ chức tết an toàn, tiết kiệm
Hàng tết dồi dào
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Sử Ngọc Anh cho biết hiện đang vào đợt cao điểm hoạt động mua sắm Tết Mậu Tuất 2018. Dự kiến, sức mua sẽ tăng dần và cao điểm vào khoảng nửa đầu tháng 2-2018. Các doanh nghiệp đã chủ động kế hoạch sản xuất và dự trữ hàng hóa, cơ bản đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới”.
Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên thống kê các doanh nghiệp bố trí nguồn vốn hơn 17.810 tỷ đồng sản xuất hàng hóa cung ứng tết (vốn tăng gần 4,2%, hàng hóa tăng 20% - 30% so với cùng kỳ). Dự kiến, dịp tết năm nay, người dân TPHCM sẽ tiêu thụ bia, nước giải khát rất lớn (khoảng 41 triệu lít bia, 47 triệu lít nước giải khát).
“Qua rà soát, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng đủ. Vấn đề còn lại là công tác quản lý, tránh tình trạng đầu cơ, lợi dụng dịp tết để tăng giá”, ông Phạm Thành Kiên phân tích.
Ngoài ra, Sở Công thương hàng ngày cũng cập nhật giá các mặt hàng thiết yếu và công khai trên trang web của sở để người dân tiện so sánh, đối chiếu.
Trong công tác chăm lo tết, Giám đốc Sở LĐTB-XH Lê Minh Tấn nhận xét, nhìn chung TPHCM còn khó khăn về ngân sách song vẫn cố gắng thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, TPHCM có kế hoạch chăm lo tết với gần 800 tỷ đồng, giá trị quà tặng đối với các gia đình chính sách có công, các hộ nghèo đều tăng. Đặc biệt, năm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, TPHCM đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm, tặng quà đối với các hộ gia đình, cá nhân tham gia cuộc tổng tiến công này. 
“Treo” bằng khen, kiểm tra kết quả công việc đã giao
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh đến 2 nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2-2018, đó là các sở - ngành, quận - huyện tập trung thực hiện kế hoạch chăm lo tết và tập trung hoàn tất một số đề án, nội dung thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM...
Về công tác chăm lo tết, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đến nhiệm vụ của Sở Công thương trong việc phối hợp không để xảy ra thiếu hàng, đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Ban An toàn thực phẩm tập trung kiểm tra, giám sát không để xảy ra mất an toàn thực phẩm.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện kiểm tra, kịp thời phát hiện các doanh nghiệp gặp khó khăn, không có khả năng chi trả lương, thưởng tết để báo cáo UBND TP chỉ đạo hỗ trợ kịp thời, từ đó ngăn ngừa xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công. Đồng thời nhắc nhở chăm lo tết đảm bảo đoàn kết, vui tươi, phấn khởi, an toàn và tiết kiệm; nghiêm cấm các đơn vị, cán bộ mang quà, bao thư “chúc tết” cấp trên dưới mọi hình thức.
Liên quan đến các đề án thực hiện Nghị quyết 54, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan phải tập trung xây dựng hoàn thiện 21 nội dung, đề án đúng thời hạn. Trước mắt, tại kỳ họp bất thường của HĐND TP trong tháng 3-2018, UBND TP phải trình đề án phân cấp ủy quyền; tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức; chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học và báo cáo công tác cải cách hành chính, đánh giá sự hài lòng của người dân. 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định chưa ký một số báo cáo đề xuất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một số cá nhân. Trước khi ký, TPHCM sẽ đối chiếu các nhiệm vụ, công việc đã được UBND TP giao cho giám đốc các sở - ngành từ đầu năm 2017.
“Nếu không thực hiện đúng nhiệm vụ UBND TP đã giao, đã duyệt thì tôi không bao giờ ký xác nhận các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ. Không thể một tập thể xuất sắc mà người dân, doanh nghiệp vẫn cứ kêu”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo định kỳ của UBND TPHCM diễn ra vào chiều 1-2, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết TPHCM đang đứng trước nhu cầu tiêu thụ thịt heo rất cao, song song đó là yêu cầu về an toàn thực phẩm nghiêm ngặt và giá cả phù hợp. Xuất phát từ thực tế này, TPHCM đã kiểm tra các cơ sở giết mổ và cho phép cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Hóc Môn, đã bị tạm đình chỉ hoạt động do bị phát hiện tiêm thuốc an thần cho heo) được giết mổ trở lại.
Công suất cho phép là 1.500 con/ngày, hoạt động tạm đến cuối tháng 10-2018 phải vận hành cơ sở giết mổ công nghiệp. Cạnh đó, cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cũng được giết mổ thủ công (2.000 con/ngày), song song với giết mổ công nghiệp (2.000 con/ngày). Tuy nhiên, cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng phải thực hiện giết mổ công nghiệp hết công suất trước khi giết mổ thủ công.

Theo đồng chí Võ Văn Hoan, các cơ quan chức năng của TP sẽ giám sát, yêu cầu nguồn heo đưa vào giết mổ phải truy xuất được nguồn gốc, không để xảy ra tình trạng tiêm thuốc an thần, bơm nước, đảm bảo thịt heo đưa đưa ra thị trường là sản phẩm sạch. Đến cuối năm 2018, TPHCM sẽ đóng cửa tất cả các cơ sở giết mổ thủ công.

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Công an TPHCM cho biết đang tập trung các kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự, an toàn phục vụ người dân vui xuân, đón tết. Trong đó, tập trung trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là trộm cắp; hành vi đầu cơ, buôn lậu, hàng gian, hàng giả…

Tin cùng chuyên mục