Chủ động phòng chống “giặc lửa”

Chỉ cần một cuộc điện thoại báo cháy, ngay lập tức xe chuyên dùng của CB-CS Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Thạnh đã rời khỏi cổng đơn vị. Cơ động, trách nhiệm, chuyên nghiệp là những yếu tố quan trọng giúp lực lượng Cảnh sát PC&CC Bình Thạnh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chủ động phòng chống “giặc lửa”

Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Thạnh

Chỉ cần một cuộc điện thoại báo cháy, ngay lập tức xe chuyên dùng của CB-CS Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Thạnh đã rời khỏi cổng đơn vị. Cơ động, trách nhiệm, chuyên nghiệp là những yếu tố quan trọng giúp lực lượng Cảnh sát PC&CC Bình Thạnh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.


 24/7

Sáng sớm tuần qua, khi đi ngang cổng Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Thạnh, chúng tôi khá ngạc nhiên bởi tiếng động cơ rì rầm của các xe chữa cháy. Đồng hồ lúc đó chỉ đúng 6 giờ, còn quá sớm đối với giờ làm việc của các công sở, doanh nghiệp. Đầu giờ làm việc chúng tôi đến cơ quan này và xin gặp thủ trưởng đơn vị - Đại tá Nguyễn Văn Quyên, Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Thạnh. “Đêm qua có cháy ở đâu mà sáng nay dọn rửa xe kỹ vậy thủ trưởng?”. Đại tá Quyên cười cười cho biết: “Đâu có vụ nào đâu. Anh em đang chuẩn bị xe để luôn chủ động trong mọi tình huống thôi”.

Các CB-CS Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Thạnh đang dập tắt một đám cháy trên đường Ngô Tất Tố.

Đều đặn hàng ngày, đúng 6 giờ sáng và 18 giờ chiều là các cán bộ lái xe lại khởi động máy vài phút đồng hồ. Việc làm đơn giản, đơn điệu như vậy, nhưng hiệu quả rất cao. Bởi lẽ, đặc thù của xe chuyên dùng chữa cháy là vậy, chỉ cần vài phút cho động cơ xe ô tô chữa cháy chạy không tải thì bình điện đã đủ hơi. Bất cứ lúc nào trong ngày, chỉ cần nghe hiệu lệnh báo động là xe đã sẵn sàng xuất phát. Đại tá Quyên cho biết thêm: “Bất cứ thời điểm nào trong ngày, tính thường trực cơ động, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng chữa cháy phải được tập trung. Anh em ở bất cứ vị trí nào trong doanh trại, khi nghe tiếng kẻng báo động thì tuột ống, cơ động ra ngay xe. Việc mặc quần áo nghiệp vụ có thể thực hiện trên xe. Và, trong vòng 1 phút đồng hồ kể từ khi có kẻng báo động, xe phải rời khỏi cổng. Đây là mệnh lệnh và có chấm điểm rõ ràng. Anh em cơ động được thì phương tiện cũng phải sẵn sàng”.

Đối với nhiệm vụ PC&CC, tính tập thể, sự kết nối cũng được thể hiện rất cao, nhất là trong việc phối hợp xác minh thông tin thật-giả. Khi nhận cuộc gọi của nhân dân yêu cầu hỗ trợ, lực lượng chữa cháy phải xuất xe lên đường và không được xác minh mà trong quá trình di chuyển sẽ liên hệ với công an địa phương để xác minh vụ việc. Khi lực lượng PC&CC đến nơi thì công an phường, cảnh sát khu vực cũng đã phân công người đến hiện trường, cần thiết thì cạy cửa chờ lực lượng chữa cháy. Một cán bộ lãnh đạo Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Thạnh cho biết cũng thường “tận dụng” cả lực lượng CSGT chi viện để hỗ trợ trên đường đi khỏi ùn tắc và giải phóng sẵn mặt bằng nơi có cháy để Cảnh sát PC&CC làm nhiệm vụ. Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ, bài bản như vậy nên nhiều vụ cháy trên địa bàn cũng nhanh chóng được giải quyết sớm, không để lây lan.

Các con hẻm nhỏ, sâu và nhà dựng xây tạm bợ tại khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao trên đường Phan Văn Hân.

Nỗi lo ở các khu dân cư nguy cơ cao

Thường xuyên tổ chức cổ động tuyên truyền về an toàn, phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp, khu trung tâm thương mại, các chợ lớn, khu vực đông dân cư, bệnh viện, trường học trên địa bàn quận bằng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, xe loa, viết bài cho cơ sở, phát tờ rơi; kiểm tra thường xuyên, phối hợp diễn tập, xử phạt nặng các đơn vị vi phạm PC&CC… là những biện pháp Cảnh sát PC&CC quận Bình Thạnh sử dụng triệt để để nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ trên địa bàn.

Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Văn Quyên cũng không tránh khỏi lo lắng khi nghĩ đến các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn quận. Đại tá Quyên tâm sự, tính đến thời điểm này, cả TP còn 3 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao thì Bình Thạnh còn 1. Đó là tại các tổ 2, 52, 60, khu phố 4, đường Phan Văn Hân, phường 17. Khu vực có nhiều hẻm sâu, nhỏ hẹp mà xe chữa cháy không thể nào tiếp cận được. Do lịch sử để lại, tại khu vực ấy vẫn còn khoảng 30 căn nhà xây dựng tạm bợ, bằng vật liệu nhẹ, dễ cháy… và đang trong tình trạng mục nát. Có thể nói là cả hệ thống chính trị tại địa phương và quận Bình Thạnh đã dồn sức để cải tạo, chuyển hóa khu vực này. Tuyến đường đã được lót “đan”, bể chứa nước đã được xây dựng, máy bơm mới được kiểm tra thường xuyên, bình chữa cháy cung cấp tương đối, đường điện đã được cải tạo…

Năm nào chúng tôi cũng tổ chức diễn tập và tháng nào anh em cán bộ địa bàn cũng tổ chức kiểm tra, hướng dẫn bà con cẩn trọng với nguồn lửa. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong nhiều năm qua khu vực này chưa xảy ra sự cố nào. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không được chủ quan, lơ là. Việc lắp đặt cống hộp rạch Phan Văn Hân đang gấp rút hoàn thành. Khi công trình được đưa vào sử dụng thì chúng tôi bớt lo hơn, vì sẽ dễ cơ động, tiếp cận khi có sự cố. Nghe đâu nay mai sẽ xong. Chúng tôi đang mong mỏi từng ngày…”.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục