Chủ động phòng ngừa nạn bắt cóc trẻ em

NGUYỄN VĂN CÔNG

Thời gian gần đây, xuất hiện tràn lan tin đồn về những vụ bắt cóc trẻ em và mới đây, tại tỉnh Bình Thuận vừa xảy ra một vụ bắt cóc trẻ em làm con tin để đòi tiền chuộc rồi giết chết, đã gây ra sự hoảng loạn tâm lý của không ít phụ huynh, đặc biệt là các phụ huynh có con đang học mầm non, tiểu học. Nhiều người lo lắng, bất an, thậm chí có người còn không dám cho con đến trường; có phụ huynh đưa con đến tận phòng học bàn giao trực tiếp cho cô giáo mới yên tâm.

Để giúp các phụ huynh tâm lý bình tĩnh, vững vàng, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra, tôi xin góp ý mấy vấn đề. Trước hết, phụ huynh cần phải biết chủ động tiếp nhận các thông tin, không nhẹ dạ tin vào những thông tin thất thiệt. Không nên dễ dàng tin vào các thông tin chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội cá nhân. Hiện nay có nhiều kẻ xấu lợi dụng các trang mạng xã hội để hư cấu, bịa đặt thông tin, thậm chí cắt ghép hình ảnh để tung tin về các vụ bắt cóc, nhằm gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an trong nhân dân, hoặc chỉ để câu view hay để thích thú vì lừa được nhiều người. Các phụ huynh cần bình tĩnh khi sự việc chưa có kết luận của cơ quan điều tra. Tránh bàn tán, tuyên truyền, dựng chuyện. Đồng thời, thường xuyên quan tâm đến con trẻ, tránh tạo tâm lý sợ hãi cho trẻ.

Để chủ động phòng ngừa nạn bắt cóc trẻ em, phụ huynh nên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được nghe theo người lạ, không nói chuyện, nhận đồ của người lạ, không đi xe cùng người lạ. Nên nhắc trẻ thuộc số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà ở, số điện thoại 113 của công an. Không để con ăn sáng trước cổng trường một mình. Trông chừng con cho đến khi con đã đi vào bên trong sân trường. Dặn con khi tan học chỉ đứng trong sân trường gần phòng bảo vệ, chứ không được ra ngoài đường đợi bố mẹ… Phụ huynh cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để có được những thông tin chính xác về việc học của trẻ (thời gian học chính khóa, học thêm, tham quan…).

Đội ngũ thầy cô giáo cũng như lực lượng bảo vệ nhà trường cần thường xuyên quản lý chặt chẽ hoạt động của trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc với người lạ hoặc để trẻ tự do ra khỏi trường học. Nên quản lý bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như camera giám sát để có được chính xác thông tin, hình ảnh.


Thạc sĩ NGUYỄN VĂN CÔNG
(Giảng viên tâm lý học Trường ĐH Nguyễn Huệ)

Tin cùng chuyên mục