Tại hội thảo “Lồng ghép vốn tự nhiên vào chủ trương, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia trong ngành đã đóng góp ý kiến cho dự thảo “Đề án chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH”, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, xác định lộ trình lồng ghép vốn tự nhiên vào chính sách quốc gia.
Nền tảng để phát triển và tăng trưởng xanh
Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, vốn tự nhiên là tổng tài sản tài nguyên thiên nhiên cung cấp đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo việc làm. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng thiếu bền vững cùng những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ tài nguyên khiến ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đa dạng sinh học suy giảm, tài nguyên suy kiệt, chất lượng môi trường sống xuống cấp.
Chính vì thế, để hạn chế những tác động tiêu cực đó, một số quốc gia đã đề xuất, hưởng ứng và thực hiện tương đối hiệu quả định hướng lồng ghép vốn tự nhiên vào quá trình ra quyết định liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Theo hướng này, tài nguyên thiên nhiên được coi là một phần cơ sở hạ tầng kinh tế và là nền tảng để đạt được các mục tiêu mong muốn về phát triển và tăng trưởng xanh chứ không thuần túy là đối tượng chịu tác động, là mục tiêu khai thác. Tinh thần này cũng đã được thể hiện trong dự thảo “Đề án chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó BĐKH, đẩy mạnh quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường” do Bộ TN-MT xây dựng. Trong đó, quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ xuyên suốt của đề án là lồng ghép vốn tự nhiên vào chính sách quốc gia trong những lịnh vực này.
Đại diện Bộ TN-MT cho biết, đề án này đã được xác định rõ: tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước, song có hạn, phải được đánh giá đầy đủ, định giá, hạch toán trong nền kinh tế. Chính vì thế, mục tiêu của đề án đã đề ra lộ trình cụ thể đến năm 2020, Việt Nam chủ động trong thích ứng với BĐKH, có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, cũng phải chấm dứt khai thác rừng tự nhiên, nâng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên lên 3 triệu ha, nâng độ che phủ của rừng lên trên 45%. Bảo đảm diện tích đất nông nghiệp đạt 26,7 triệu ha, bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, trong đó có 3,2 triệu ha đất chuyên trồng lúa nước. Đồng thời cải tạo một bước các vùng đất bị ô nhiễm, không để mở rộng thêm diện tích đất bị thoái hóa, bạc màu, hoang mạc hóa. Để đạt được những mục tiêu đề ra, nhiều giải pháp cũng đã được đề án đề ra như tăng cường quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó BĐKH.
Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH; tự giác sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; đổi mới, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để chủ động ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường; tăng cường huy động nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của khoa học công nghệ, đẩy mạnh hợp tác hội nhập quốc tế và mở rộng đối tác chiến lược trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Vốn tự nhiên không đơn thuần là tài nguyên
Theo các chuyên gia trong ngành, vốn tự nhiên là các nguồn cung tài nguyên hoặc các dịch vụ có nguồn gốc từ thiên nhiên như: rừng, các mỏ khoáng sản, nguồn lợi thủy sản và đất đai màu mỡ. Ngoài ra, khả năng lọc không khí và làm sạch nước cũng là hai trong số nhiều dịch vụ sinh thái bắt nguồn từ thiên nhiên. Tài nguyên thiên nhiên không là nguồn lợi duy nhất do hệ sinh thái cung cấp. Hệ sinh thái còn rất nhiều chức năng khác. Rừng không đơn giản chỉ cung cấp gỗ mà còn có tác dụng chống xói mòn đất, hấp thụ nước mưa và góp phần kiểm soát lũ. Rừng cũng là môi trường sống của nhiều loài động, thực vật. Những loài động thực vật này có thể là nguồn thức ăn hoặc thuốc chữa bệnh cho những loài khác. Rừng hấp thụ nguồn khí thải tự nhiên từ những sinh vật sống khác, chuyển hóa thành oxy, đồng thời lọc carbon khỏi không khí, tác động đến vi khí hậu của khu vực.
Các chuyên gia cho rằng, vốn thiên nhiên có thể mất đi khi vốn tài chính phát triển. Cụ thể, nguồn lợi thiên nhiên hoặc các dịch vụ đa dạng từ cùng một hệ sinh thái đều có những mức độ nhạy cảm khác nhau đối với sự can thiệp từ bên ngoài. Khi rừng bị mất đi một khối lượng gỗ nào đó thì các dịch vụ sinh thái như khả năng giữ nước và sự đa dạng sinh học của môi trường sống sẽ bị ảnh hưởng theo các mức độ khác nhau. Có trường hợp sự xâm hại vượt qua ngưỡng giới hạn khiến một hay nhiều dịch vụ sinh thái của rừng không thể tự phục hồi thậm chí trong khi vẫn tiếp tục bị khai thác. Khi giới hạn bền vững bị vượt qua ở một mức độ nào đó, giá gỗ trên thị trường không biểu hiện hết được những tổn thất của các dịch vụ sinh thái. Cả nguồn vốn và nguồn lợi thiên nhiên mà các dịch vụ sinh thái mang lại có thể bị tàn phá khi các nguồn lực tài chính tiếp tục phát triển, thậm chí chỉ trong một thời gian ngắn.
BÌNH KHÔI