Chủ động ứng phó đợt triều cường tháng 7 âm lịch và các tháng tiếp theo

Theo dự báo thuỷ văn trên sông Hậu và các kênh rạch sẽ đạt đỉnh triều vào rằm tháng 7 (âm lịch) ở mức giữa báo động I và báo động II, mực nước cao nhất sẽ đạt từ 1,83m đến 1,88m vào ngày 15-8.

Những năm gần đây, các quận trung tâm TP Cần Thơ luôn chịu tác động mạnh mẽ bởi triều cường

Ngày 11-8, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT-TKCN) TP Cần Thơ vừa có công văn về việc chủ động, tăng cường công tác chống ngập lụt trong đợt triều cường rằm tháng 7 (âm lịch) và các đợt triều cường tiếp theo trong tháng 8, tháng 9 và tháng 10 (âm lịch).

Theo dự báo thủy văn trên sông Hậu và các kênh rạch sẽ đạt mức cao nhất vào rằm tháng 7 âm lịch ở mức giữa báo động I và báo động II. Cụ thể, mực nước cao nhất sẽ đạt từ 1,83m đến 1,88m vào ngày 15-8.

Tại TP Cần Thơ, những năm từ 2004 đến 2021 đã ghi nhận có 12 năm cao độ mực nước cao nhất trên sông Hậu vượt mức 2m (vượt báo động III); 6 năm dưới 2m và 1 đợt ngập lụt lịch sử với mức cao độ mực nước lên đến 2,25m (trên mức báo động III) xuất hiện vào năm 2019.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của triều cường rằm tháng 7 (âm lịch) và các tháng tiếp theo, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT-TKCN TP Cần Thơ đề nghị các đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, triều cường, kịp thời thông tin đến người dân vùng trũng, thấp, ven sông và các công trình trên sông, kênh rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh; cảnh báo, di dời người dân tại khu vực bờ sông, kênh rạch có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.

Chủ động ứng phó đợt triều cường tháng 7 âm lịch và các tháng tiếp theo ảnh 2 Lực lượng chức năng TP Cần Thơ hỗ trợ người dân trong đợt triều cường năm 2020

Công an TP Cần Thơ tăng cường lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông, đảm bảo an toàn người và phương tiện; Sở GTVT phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát các tuyến đường bị ngập nước trên toàn thành phố, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức giao thông khi cần thiết; trường hợp nước ngập sâu, không an toàn thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời…

Cần đảm bảo an toàn công trình lưới điện, trạm biến áp ngầm, nổi... đặc biệt là tại các trường học, khu dân cư bị ngập sâu; các quận trung tâm tổ chức kiểm tra các tuyến đường, nắp hố ga, tránh để xuất hiện hố sâu nguy hiểm; tổ chức kiểm tra thu gom rác tại các cống thoát nước...; thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm tạm thời, dây cảnh báo, đèn chớp… tại những điểm ngập sâu, cặp kênh rạch nguy hiểm.

Các kho hàng, bến bãi cần có kế hoạch kê hàng hoá lên cao hoặc di dời đến nơi cao ráo để đảm bảo an toàn, nhất là các kho hoá chất, thuốc trừ sâu… để tránh khuếch tán ảnh hưởng đến môi trường; thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành và huy động lực lượng nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.

Tin cùng chuyên mục