Chủ động ứng phó thiên tai

Mới đầu mùa mưa mà ở miền Bắc, lũ ống từ thượng nguồn đã tràn về. Ngay một nơi nằm ở vị trí đắc địa như TP Lào Cai, ở thượng nguồn con sông Hồng mà có 2 - 3 cơn lũ từ khắp các ngả kéo theo bùn đất dội vào tận khu dân cư, làng mạc, làm 245 căn nhà của dân bị cuốn trôi tài sản, cầu cống, đường sá cũng bị sập lở.

Trong khi theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, năm nay sẽ là một năm mưa nhiều trên cả nước, mùa mưa tới sớm, lụt bão gia tăng. Nguyên nhân là do hiện đã qua thời kỳ ảnh hưởng của El-Nino và hiện tượng La-Nina đang trở lại. Đặc biệt, năm nay sẽ có tới 5 - 6 cơn bão cùng áp thấp nhiệt đới đi vào nước ta, nhiều hơn năm 2010, mức độ nguy hiểm gia tăng và khó lường hơn.

Thời tiết cực đoan đang xảy ra ở nước ta như mới đầu mùa mà nắng nóng đã gay gắt khắp ba miền, mới mưa mà đã lũ ống rình rập đe dọa sinh mạng con người. Trong khi đó, cả thế giới đang lo ngại các thiên tai thảm họa lớn xuất hiện liên tục thời gian gần đây như sóng thần ở Nhật Bản, nhiều nơi động đất (trong đó có cả Việt Nam), núi lửa, bão lụt… đặc biệt là trong bối cảnh điều kiện sống của cư dân trên toàn cầu bị đe dọa (như nước biển dâng, biến đổi khí hậu và nhiệt độ đang tăng lên) càng làm nhiều người dân phải quan tâm hơn.

Tuy nhiên ở nước ta, cho tới nay các thiệt hại do thiên tai, thảm họa xảy ra vẫn chủ yếu là mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất đá. Điều đáng buồn là năm nào khi bão lũ tới cũng có người dân thiệt mạng. Theo Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, gần nhất là năm 2010, các cơn bão ngay đầu mùa ập vào đã làm 273 người bị chết, 96 người mất tích, 419 người bị thương, trong đó có những vụ ở miền Trung rất thương tâm, hàng chục hành khách bị chết một cách oan uổng do chủ xe khách bất cẩn.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy! Năm nào cũng có bão lũ, cũng có rất nhiều người bị thiệt mạng. Theo Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, phần nhiều là do người dân chủ quan, coi thường tai họa, không chủ động tránh thảm họa.

Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm với các chương trình mục tiêu mang tầm quốc gia về ứng phó với thảm họa, giảm nhẹ thiên tai, nhưng trước điều kiện sống ngày càng khắc nghiệt, nhiều loại thảm họa có thể xảy ra, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, để có hiệu quả thực sự cần phải khơi dậy tinh thần chủ động trước các thiên tai, thảm họa của người dân, mà có lẽ việc đầu tiên là phải đưa các kiến thức cũng như kỹ năng ứng phó thảm họa trở thành một bộ môn để giảng dạy trong nhà trường. Bên cạnh đó nên tăng cường, tổ chức liên tục các đợt diễn tập ở các quy mô do Trung ương hoặc từng địa phương tổ chức về các tình huống giả định thiên tai, thảm họa có thể xảy ra, để người dân được trang bị những kỹ năng vượt qua thảm họa, đồng thời rèn luyện thói quen luôn chủ động trước thảm họa.

Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục