Chủ động ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới

Làm thế nào để kịp thời ứng phó với mưa bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động dồn dập trong thời gian tới? Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn nhanh ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, để làm rõ hơn nội dung này.

Làm thế nào để kịp thời ứng phó với mưa bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động dồn dập trong thời gian tới? Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn nhanh ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, để làm rõ hơn nội dung này.

PHÓNG VIÊN: Diễn biến thời tiết sắp tới tại TPHCM và khu vực Nam bộ có gì đặc biệt, thưa ông ?

Ông ĐẶNG VĂN DŨNG: Hiện tượng El Nino có cường độ rất mạnh và kéo dài nhất trong lịch sử đã kết thúc vào tháng 5-2016. Hiện tượng ENSO (dùng để chỉ chung hai hiện tượng El Nino và La Nina thể hiện sự biến động dị thường trong hệ thống khí quyển, đại dương) đang ở trạng thái trung tính. Theo dự báo của các trung tâm khí tượng lớn trên thế giới, trong các tháng sắp tới nhiều khả năng ENSO sẽ chuyển sang La Nina với xác suất khoảng 50% - 60%. Như vậy, có khả năng hiện tượng La Nina với cường độ yếu sẽ ảnh hưởng đến thời tiết nước ta nói chung và khu vực Nam bộ nói riêng trong các tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017.

Do ảnh hưởng của ENSO trung tính, sau chuyển sang La Nina nên thời tiết khu vực Nam bộ trong các tháng còn lại của mùa mưa sẽ còn diễn biến phức tạp. Tổng lượng mưa tháng 8-2016 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Các tháng 9, 10, 11 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và mùa mưa có khả năng kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng 10 ngày cuối tháng 11, có nơi sang đầu tháng 12). Đặc biệt, trong các tháng sắp tới sẽ còn xuất hiện nhiều đợt dông lốc, gió giật mạnh cũng như các trận mưa cường độ lớn, có thể đạt từ 50mm - 100mm, thậm chí trên 100mm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh ven biển phía Tây Nam bộ (Cà Mau, Kiên Giang).

Ông có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc phòng chống mưa bão, gió giật, đặc biệt trong trường hợp mưa bão lớn kết hợp với xả lũ?

Năm nay bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trễ hơn so với trung bình nhiều năm. Tính đến nay đã có 2 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó cơn bão số 1 đổ bộ vào Nam Định - Thái Bình, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Trong thời gian tới, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào tháng 10, 11, 12 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ.

Theo quy luật thủy triều hàng năm, vào các tháng cuối năm (tháng 10, 11, 12) là thời kỳ triều cường lên cao nhất trên vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai, sông Cửu Long... Dự báo đỉnh triều cường sẽ lên vượt mức báo động 3 từ 0,1m - 0,2m vào các kỳ triều cường giữa tháng 10, tháng 11 và tháng 12. Trong các tháng cuối năm chúng ta nên chủ động ứng phó, đề phòng để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đối với các vùng ven sông, ven biển và các khu vực trũng thấp cần đề phòng mưa lớn đúng thời gian xảy ra đỉnh triều kết hợp với xả nước từ các hồ, đập thủy điện ở thượng nguồn gây ngập lụt trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục