Trong quá trình đổi mới ở TPHCM, sân khấu TP cũng có nhiều đổi thay đáng kể để thích nghi và phát triển. Giờ đây, khi nhìn lại chặng đường đã qua, sân khấu TP như đã chứng minh được sự năng động, chủ động đổi mới của những người làm sân khấu.
Chuyện của ngày xưa
Nếu lấy mốc đổi mới từ khi Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), sân khấu đã cho thấy sự đổi mới của mình từ trước đó, qua các vở diễn: Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý, Dốc sương mù… Những vở diễn này có mặt ở Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 và gần như đó là những tác phẩm đi trước thời cuộc. Lúc đó, những vở diễn này tạo ra sự tranh luận rất dữ dội và kéo dài suốt 1 năm.
Cũng cần nói thêm là vào năm 1984, ở Sân khấu 5B cũng hình thành CLB sân khấu thử nghiệm với vở diễn đầu tiên là Dư luận quần chúng, có lực lượng tham gia biểu diễn hầu hết là những diễn viên trẻ vừa tốt nghiệp trường sân khấu - điện ảnh, cùng một số nghệ sĩ gạo cội tâm huyết với nghề. Chính từ vở diễn này đã thổi lên ngọn lửa yêu cầu phải đổi mới. Sau đó, đánh dấu sự hình thành của lực lượng này là Liên hoan Sân khấu nhỏ lần thứ 1 năm 1989 với hầu hết những vở diễn là các tác phẩm nước ngoài. Nhưng đến liên hoan lần thứ 2 năm 1993, tất cả vở diễn đều là tác phẩm trong nước và tạo hẳn một xu thế của kịch Sài Gòn.
Đến năm 1995, khi ra đời vở Dạ cổ hoài lang, Hội Sân khấu TPHCM đã chính thức đặt vấn đề với UBND TPHCM nâng CLB Sân khấu thử nghiệm 5B lên thành Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Khi đó, đơn vị này cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi có lực lượng ủng hộ nhưng cũng có một bộ phận khác không ủng hộ, do trước giờ chưa có tiền lệ. Ai cũng nghĩ, nhà hát là phải trực thuộc nhà nước, nếu xã hội hóa, thì hoạt động như thế nào? Mãi cho đến năm 1997, mới chính thức có quyết định thành lập Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.
Trong giai đoạn đó, hình thành một kiểu nhà hát có sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước nhưng không sử dụng kinh phí của Nhà nước. Có thể nói vào thời điểm đó, Sân khấu 5B Võ Văn Tần đã sớm thấy được những hạn chế của bao cấp. Nếu nhà hát được bao cấp thì sẽ không giải phóng được trí tuệ, sáng tạo, lực biểu diễn… Cho nên, trong giai đoạn đầu hình thành nhà hát, yêu cầu giải phóng sức sáng tạo rất dữ dội.
Từ đó, đã xuất hiện rất nhiều tác phẩm hay và cho tới nay, càng theo thời gian, tác phẩm càng có giá trị. Có thể nói, hiện nay, chưa có sân khấu nào có thể xây dựng được nhiều tác phẩm hay như thời đó. Trước đây, sân khấu có rất nhiều tác phẩm đặt người nghệ sĩ vào công cuộc đổi mới và trách nhiệm với công cuộc đổi mới ấy. Nhưng rồi với một sân khấu chỉ có hơn 200 chỗ ngồi, không thể dung chứa hết sức sáng tạo của nghệ sĩ nên từ đó, sức sáng tạo ấy bung ra, hình thành nên nhiều sân khấu xã hội hóa khác, tạo nên một thị trường sân khấu sôi động cho TPHCM.
Chuyện hôm nay và tương lai
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới, đổi mới một cách toàn diện hơn và phải có tầm nhìn chiến lược. Xã hội hóa sân khấu bây giờ phải đi cùng với quốc tế hóa. Có nghĩa là vừa giải quyết được nhu cầu của thị trường - khán giả trong nước nhưng lại đồng thời chủ động hội nhập, mở rộng thị trường, đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài biểu diễn giao lưu quốc tế. Khi ra nước ngoài, chúng ta mới có thể biết được sân khấu thế giới thế nào và cần làm gì cho sân khấu Việt Nam. Đồng thời, qua đó chúng ta cũng có thể biết được nhu cầu của từng thị trường khác nhau, như Pháp cần loại hình nghệ thuật nào, khu vực châu Phi cần cái gì…
Tuy nhiên, muốn làm được điều này, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước. Nếu như đơn vị nghệ thuật xã hội hóa nào làm tác phẩm thị trường, diễn doanh thu thì thôi. Còn đối với những đơn vị có tác phẩm được làm mang tính chất có định hướng, có chất lượng nghệ thuật thật sự và nhằm mục đích biểu diễn giao lưu quốc tế, tham gia các liên hoan sân khấu quốc tế, nên xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện.
Chúng ta có thể sử dụng kinh phí hợp lý để định hướng sản phẩm văn hóa, cũng như đơn vị nghệ thuật. Làm được như thế, chúng ta sẽ tạo ra được một không gian hợp tác, một môi trường hợp tác rộng hơn và nghệ sĩ ở các sân khấu xã hội hóa cũng thấy được vai trò, trách nhiệm của mình lớn hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên tính đến việc phải tổ chức liên hoan sân khấu quốc tế tại những thành phố như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… Trong đó, chúng ta đặc biệt chú ý đến việc tổ chức liên hoan sân khấu truyền thống quốc tế để qua đó có thể biết, hiểu, học được những điều hay, cái đẹp từ sân khấu truyền thống của các nước khác, làm giàu cho sân khấu Việt Nam nói chung.
Lâu nay, chúng ta chỉ tổ chức liên hoan sân khấu mang tính chất chung chung, chưa chuyên biệt để thấy được mình học tập quốc tế cái gì và quốc tế thấy được bản sắc của Việt Nam như thế nào. Tôi nghĩ, nếu được cọ xát với quốc tế, nghệ sĩ cũng được nâng tầm hiểu biết và trình độ chuyên môn. Hiện nay, nghệ sĩ của chúng ta mới chỉ cố gắng tập, diễn sao cho tròn vai và có việc làm thường xuyên là tốt rồi, chứ chưa ý thức rằng, phải nỗ lực thế nào để nay mai có thể vươn mình ra thế giới. Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan tâm để từ đó có thể góp phần nâng tầm nghệ sĩ, nâng tầm các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa thoát khỏi cách nghĩ, cách làm như lâu nay. Đồng thời, khi chủ động đưa được sản phẩm văn hóa - các vở diễn trong nước ra được thị trường nước ngoài, tôi nghĩ đó là một thành công rất lớn trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
LÊ DUY HẠNH
(Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM)