Mở đầu, tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện trong một gia đình mà tôi có dịp ghé qua trong chuyến thăm Mỹ. Chị Phương, năm nay gần 60 tuổi, ở nhà gần 2 năm nay để chăm sóc mẹ là bác Mai, hơn 80 tuổi, hiện đang bị chứng Alzheimer.
Trước khi ở nhà, chị Phương vốn là thợ làm nail lành nghề, thu nhập rất khá. Chị ở nhà vì không yên tâm khi để mẹ một mình với người giúp việc. “Mình chăm sóc bà vẫn hơn”, chị Phương nói. Vừa phải lo việc nhà, vừa phải lo chăm sóc mẹ nên chị Phương cũng chẳng có mấy thời gian tiếp tôi. Câu chuyện đang nói cứ bị ngắt quãng nhiều lần. Vì ở nhà nên thu nhập chính gia đình hiện dồn lên đôi vai của anh chồng, một công nhân xây dựng, khiến cuộc sống khá chật vật nhưng anh chị vẫn chấp nhận vì muốn làm tròn chữ hiếu.
Ở bên này, một người vẫn còn sức lao động mà buộc phải ở nhà là điều rất khó khăn và nhất là còn phải chăm sóc một người lớn tuổi đang mắc bệnh. Vậy mà đâu chỉ riêng chị Phương, nghe chị kể hóa ra cũng có không ít gia đình bạn bè chị cũng quyết định ở nhà hoặc bớt việc để có thời gian chăm sóc cha, mẹ. Họ - những người muốn trọn đạo làm con cũng muốn con cái của mình nhìn thấy hình ảnh này và không quên chữ hiếu, vốn được xem trọng trong gia đình Việt.
Những người lớn tuổi như bác Mai khi đến sống tại Mỹ đa số đều gặp trở ngại trong giao tiếp với người bản xứ. Bên cạnh đó là lối sống và nền văn hóa khác biệt nên họ cảm thấy lạc lõng nơi xứ người. Đó cũng là lý do khiến đa phần gia đình gốc Việt ở Mỹ không muốn đưa cha mẹ đến sống ở viện dưỡng lão vì sợ khó hòa nhập với những người cao tuổi bản xứ. Họ sợ cha mẹ cảm thấy cô đơn khi đến sống tại nơi xa lạ. Có lẽ hơn ai hết, họ hiểu rằng người cao tuổi rất cần sự sẻ chia, chăm sóc từ những người thân trong gia đình.
Chia sẻ với tôi, trước khi quyết định ở nhà chăm sóc cho mẹ, chị Phương cũng có tìm hiểu về viện dưỡng lão nhưng lại thấy không yên tâm. Chị cho biết nổi tiếng là văn minh, hiện đại nhưng tại các viện dưỡng lão trên đất Mỹ mỗi năm vẫn có hàng ngàn trường hợp khiếu nại vì cách đối xử tệ bạc của nhân viên như bỏ bê, không dọn dẹp, không cho uống nước, bớt thức ăn cho những người cao tuổi bị Alzheimer.
Không riêng các gia đình gốc Việt, cộng đồng người gốc Á sống tại Mỹ cũng luôn đặt nặng sự chăm sóc cha mẹ lên hàng đầu và nó ít nhiều gây khó khăn cho công việc của họ. Chắc cũng xuất phát từ lý do này mà hôm trước đọc một bài báo, tôi thấy họ chuẩn bị cho ra đời viện chăm sóc người cao tuổi đối với cộng đồng người gốc Á. Người sáng lập viện là bà Ja Choi, một phụ nữ Hàn Quốc. Bà Choi cũng có một người mẹ bị ung thư đường ruột và từng ở nhà chăm sóc mẹ. Theo bà Choi, với mong muốn giảm bớt gánh nặng cho nhiều gia đình gốc Á, viện chăm sóc người cao tuổi sẽ có những dịch vụ phù hợp có mức giá vừa phải. Chẳng hạn như những bữa ăn truyền thống đúng khẩu vị, trung tâm chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, những y tá được đào tạo để nói tiếng Hàn Quốc, tiếng Hoa hoặc tiếng Việt.
Nếu mô hình viện chăm sóc phát triển thành công, ắt hẳn sẽ được nhiều gia đình gốc Á tin tưởng và gửi cha mẹ vào đây. Nhưng suy cho cùng thì không nơi đâu khiến người cao tuổi cảm thấy ấm lòng hơn bằng chính trong ngôi nhà mình.
MINH NGUYÊN