Chu Hoàng Diệu Linh giã từ sự nghiệp: Tránh sao cho khỏi mất tài năng?

Khi nhiều nhà chuyên môn, quản lý thể thao thể hiện niềm vui ở việc chúng ta đã là chủ nhà của Asian Games 18-2019 lại có một thực tế, nhiều VĐV trẻ triển vọng đang muốn rời thể thao…
Chu Hoàng Diệu Linh giã từ sự nghiệp: Tránh sao cho khỏi mất tài năng?

Khi nhiều nhà chuyên môn, quản lý thể thao thể hiện niềm vui ở việc chúng ta đã là chủ nhà của Asian Games 18-2019 lại có một thực tế, nhiều VĐV trẻ triển vọng đang muốn rời thể thao…

Đến bây giờ mọi người mới biết chuyện này nhưng những người làm chuyên môn đã nắm rõ sự tình và chấp nhận. Võ sĩ taekwondo Chu Hoàng Diệu Linh mới qua tuổi 18, vừa dự London 2012 nhưng đã giã từ sự nghiệp. “Đó là nguyện vọng từ gia đình cũng như bản thân VĐV. Chúng tôi đã thuyết phục nhưng khi ý nguyện của Linh là vậy thì nếu có giữ lại được em tập luyện cũng chỉ có được con người chứ còn tâm huyết gần như đã hết”, chia sẻ từ HLV Hồ Anh Tuấn - người trực tiếp huấn luyện Diệu Linh tại Hà Nội và ĐTQG taekwondo.

Vì sao mà VĐV đang có tuổi trẻ và được kỳ vọng lại bất ngờ giã từ sự nghiệp?

Chu Hoàng Diệu Linh tại London 2012. Ảnh: TL

Chu Hoàng Diệu Linh tại London 2012. Ảnh: TL

Ý nguyện xuất phát hoàn toàn từ bản thân và gia đình nên ở một nghĩa hẹp nào đó, khi không thấy sự phát triển tương lai phù hợp làm VĐV thì sự ra đi là dễ hiểu. Cũng trong quan điểm ấy, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - ông Vương Bích Thắng phát biểu: “Tôi đã được báo cáo trường hợp của cháu Linh. Thật đáng tiếc khi không thể giữ lại được VĐV tốt cho thể thao Việt Nam. Ở đây cũng không trách được VĐV hay gia đình vì nếu là cha mẹ thì ai cũng muốn hướng tương lai lâu dài cho con”.

Một chia sẻ chung mà rất nhiều trưởng bộ môn khẳng định rằng mấu chốt khiến các môn thể thao lao đao nhân lực do ngày càng ít gia đình hướng con làm VĐV, đó là làm VĐV chưa phải 1 nghề. Chúng ta có cơ chế để bồi dưỡng và gìn giữ tài năng trẻ không?  Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cho biết: “Ngành thể thao cũng có những cơ chế bồi dưỡng cho VĐV trẻ. Đương nhiên, họ sẽ có những đặc lợi được hưởng theo chế độ quy định và ưu tiên nếu có nguyện vọng theo học các trường đại học về thể thao sau này…”. Nếu yêu cầu phải giữ bằng được VĐV không cho giải nghệ thì khó có cơ chế cụ thể do về lý chỉ có thể áp theo hợp đồng tập luyện (nếu có). Còn về tình, con người đã không mặn mà thì giữ cũng chẳng được. Trong ưu tư của mình, HLV Hồ Anh Tuấn chẳng ngại mà bảo ở Hà Nội, ông đã chia tay không dưới 10 trường hợp như Linh. Một phần, họ tập luyện thi đấu hết lứa tuổi trẻ và bước vào độ tuổi trưởng thành gặp nhiều tác động từ hoàn cảnh, tâm lý thay đổi và theo yêu cầu gia đình nên đã giải nghệ. “Biết sao được, chúng tôi làm quản lý thì chỉ ký kết tập luyện, huấn luyện với các em VĐV theo từng năm. Khi hết thời hạn, họ muốn nghỉ thì chỉ có cách là thuyết phục mà thôi”, ông Tuấn cho biết.

Giống Chu Hoàng Diệu Linh ở phần nào, đội karatedo Việt Nam sau SEA Games 26-2011 đã phải tạm biệt Thạch Thị Trang. Dù Trang không giải nghệ hẳn. Vẫn biết, Trang còn đam mê tập luyện karatedo nhưng vì cuộc sống, cô không thể mãi ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội mà bỏ mất cơ hội được học tập ở Đại học TDTT TPHCM.

Cơ chế giữ VĐV tài năng thật cần. Cần hơn cả là có chế độ tốt thì VĐV mới thấy tương lai lâu dài để gắn bó chứ không chỉ nói suông “cần phải tìm, chuẩn bị nhân lực thật tốt cho Asian Games 18” trong khi sự thật ngay trước mắt là VĐV triển vọng sớm giải nghệ lại chưa thể giải quyết được.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục